Trước ngày Độc lập 2/9, chúng tôi nhận được thư của Giáo sư Carl Thayer giới thiệu về một cuốn sách có tên gọi “Việt Nam: Ngôi sao đang lên của châu Á” sắp phát hành mà ông là đồng tác giả.
Trong phần giới thiệu, GS Thayer, một nhà Việt Nam học hiện sống ở Úc, viết rằng, các tác giả của cuốn sách quan tâm chính đến một câu hỏi: Liệu Việt Nam có những yếu tố cần thiết để trở thành nền kinh tế con hổ tiếp theo của châu Á hay không và nếu có thì những yếu tố nào sẽ giúp Việt Nam làm được điều đó?
Trong phần giới thiệu cuốn sách, GS không cố trả lời câu hỏi then chốt và phức tạp đó có lẽ với hàm ý để người đọc tự tìm hiểu trong cuốn sách. Song, ông viết rằng “Câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam” kéo dài suốt ba thập kỷ qua. Trong khoảng thời gian này, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định hàng năm với mức tăng trưởng thương mại hai con số và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể.
Cũng đã có một số dự báo và tuyên bố đầy tham vọng về tiềm năng của đất nước. Chẳng hạn, Công ty kiểm toán PwC công bố báo cáo dự báo dài hạn cho biết Việt Nam sẽ tăng 12 bậc trên bảng xếp hạng GDP để trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới vào năm 2050. Thủ tướng Việt Nam tuyên bố đạt được thu nhập cao vị thế vào năm 2045 là một mệnh lệnh quốc gia.
Những khát vọng, nhận định Việt Nam là con rồng, con hổ, hay ngôi sao đang lên ở châu Á từng xuất hiện ở nhiều báo nước ngoài cách đây nhiều năm, khi chúng ta gia nhập WTO nhưng rồi sau đó lại lặng im.
Phải đến gần đây, những nhận định lạc quan đó mới thấy xuất hiện lại. Chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét: “Mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam”. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nhận định Việt Nam là một điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu.
Hậu quả của đại dịch Covid-19, chiến tranh và xung đột leo thang làm kinh tế toàn cầu chao đảo. Một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam nhưng cơ bản vẫn ở mức tích cực.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5% vào năm 2023 và 6,6% trong năm 2024. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 6,5% trong năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024. WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6% năm 2023. IMF hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ mức 5,8% xuống còn 4,7%.
Nhìn lại năm 2022, GDP Việt Nam tăng trưởng 8,02%, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, quy mô GDP đạt 409 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 37 thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt mức kỷ lục mới trên 732 tỷ USD, thuộc nhóm top 20 thế giới. Cộng đồng doanh nghiệp phát triển đạt quy mô xấp xỉ 1 triệu doanh nghiệp, là con số chưa từng có trong lịch sử đất nước.
Tuy nhiên, trước những thành tích mà thế giới ca ngợi thì không thể “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Xin nhắc lại một vài số liệu đáng quan tâm, chẳng hạn có tới 16-17 ngàn doanh nghiệp “rút lui khỏi thị trường” mỗi tháng. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 còn yếu, nhiều doanh nghiệp đã đến mức tới hạn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kể từ cuối quý 3/2022, nền kinh tế đã gặp trục trặc khá nhiều bởi nhiều chính sách thay đổi đột ngột làm doanh nghiệp khó khăn thêm trong bối cảnh thị trường thế giới thu hẹp, đơn hàng sụt giảm.
Suy giảm cầu nhập khẩu từ các bạn hàng chủ yếu đã tác động đến sản xuất, nhất là sản xuất xuất khẩu ở nước ta. Các doanh nghiệp may, dày da, đồ gỗ đã báo phải thu hẹp sản xuất; sa thải công nhân hoặc giảm giờ làm; chỉ số xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã giảm liên tục hàng tháng trong các báo cáo thống kê về tình hình kinh tế xã hội.
Sang năm 2023, tăng trưởng kinh tế quý I của Việt Nam thấp so với một số nước trong khu vực. Cụ thể là, Phillipine 6,4%, Malaysia 5,6%, Indonesia 5,3%, Ấn độ 6,1%, Trung quốc 4,5%... Tăng trưởng trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 4,14%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 6,5% của cả năm.
Kinh tế Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với khó khăn ở nhiếu khía cạnh, từ khu vực kinh tế thực đến khu vực tài chính, từ khu vực doanh nghiệp tư nhân, FDI đến kinh tế nhà nước; khó khăn không chỉ đến từ bên ngoài mà cả từ bên trong.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung tính toán, tăng trưởng kinh tế nước ta đang suy giảm nhanh chóng; cứ 10 năm tăng trưởng GDP trung bình giảm hơn 0,5 điểm phần.
Trong giai đoạn 10 năm lần thứ nhất (1991-2000) tốc độ tăng GDP bình quân là 7,56%; 10 năm thứ hai (2001-2010) 6,61%; 10 năm lần thứ 3 (2011-2020) đạt 6%; và hiện nay 3 năm đầu của 10 năm lần thứ tư dự kiến 5,6%. Nếu muốn đạt mục tiêu nhiệm kỳ (2021-2025) trung bình 7%, thì năm 2024 và 2025 phải đạt trung bình 9%/năm. Đó là nhiệm vụ rất thách thức hiện nay.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều thách thức khó khăn nhưng cũng mở ra không ít cơ hội. Với tầm nhìn xa, hoài bão lớn, quyết tâm cao, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Những mục tiêu đó cần phải hoàn thành như tiêu đề cuốn sách “Việt Nam: Ngôi sao đang lên của châu Á“ đặt ra. Giấc mơ và hoài bão là điều kiện cần, nhưng hành động là điều kiện đủ cho giấc mơ Việt Nam trở thành ngôi sao châu Á.
Theo Vietnamnet.vn