Thứ Bẩy, 23/11/2024 06:39:37 GMT+7
Lượt xem: 459

Tin đăng lúc 06-07-2023

Việt Nam - "Ngôi sao đang lên" trên thị trường mới nổi

Truyền thông quốc tế đánh giá, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhanh về trung hạn và "ngôi sao đang lên Việt Nam" sẽ là một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á.
Việt Nam - "Ngôi sao đang lên" trên thị trường mới nổi
Công nhân Nhà máy Matsuo Industries Việt Nam tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Động lực phát triển của Việt Nam

 

Viết trên trang S&P Global Market Intelligence, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương Rajiv Biswas chỉ ra, Việt Nam được kì vọng sẽ tiếp tục là nước hưởng lợi chính từ sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu hướng tới các trung tâm sản xuất cạnh tranh ở Đông Nam Á.

 

Bài viết cho hay, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ một số động lực chính như hưởng lợi từ chi phí lương cho ngành sản xuất tương đối thấp hơn so với các tỉnh ven biển của Trung Quốc; lực lượng lao động tương đối lớn, được đào tạo tốt so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực ở Đông Nam Á, khiến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất hấp dẫn của các công ty đa quốc gia; dự kiến chi tiêu vốn sẽ tăng nhanh; nhiều công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất để giảm bớt khả năng bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung và các sự kiện địa chính trị.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam được hưởng lợi từ một loạt các Hiệp định Thương mại tự do như AFTA, CPTPP, EVFTA, RCEP...

 

Tờ Economic Times cũng cho hay, Việt Nam nằm trong số những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đã tương đối thành công trong việc thu hút các tên tuổi lớn trong những năm qua như Samsung, Apple, Google, Nike, Adidas...

 

Kinh tế Việt Nam có thể xếp thứ 10 thế giới vào năm 2050

 

Trên trang Eurasia Review, nhà phân tích và nhà báo Matija Šerić dẫn dự báo của PricewaterhouseCoopers cho biết, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc kinh tế của châu Á và cường quốc khu vực. Dự báo, đến năm 2050, kinh tế Việt Nam có thể xếp thứ 10 thế giới.

 

Các chuyên gia đã đưa Việt Nam vào nhóm Next-11 (11 nền kinh tế lớn tiếp theo) như Ai Cập, Mexico, Nigeria và các quốc gia khác.

 

Cùng với các quốc gia của nhóm BRICS, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới ở thế kỷ XXI.

 

Trong tương lai, Việt Nam có thể trở thành cường quốc mạnh hơn nữa ở khu vực châu Á, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thậm chí có thể rộng hơn.

 

Nhà báo Matija Šerić nhấn mạnh đến "phép màu kinh tế Việt Nam", chỉ ra 3 yếu tố chính góp phần vào sự gia tăng nhanh chóng của tăng trưởng GDP, sản xuất và đầu tư của Việt Nam.

 

Thứ nhất là tự do hóa thương mại gần như tối đa với châu Á và phần còn lại của thế giới. Thứ hai là cải cách trong nước thông qua việc bãi bỏ quy định về kinh tế và giảm giá nhân công. Thứ ba là các khoản đầu tư lớn thông qua đầu tư công vào vốn con người và vật chất.

 

Điểm sáng trước những "cơn gió ngược" toàn cầu

 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm, nhờ xuất khẩu phục hồi và các chính sách trong nước nới lỏng. Lạm phát dự kiến sẽ được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thiên Tân (Trung Quốc) cuối tháng 6 nhận định, Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, là hình mẫu thành công trong phòng chống dịch bệnh, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng.

 

Trang portfolio-adviser.com của Anh đăng bài viết với nhan đề "Việt Nam: Ngôi sao đang lên trên thị trường mới nổi" nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Việt Nam được kì vọng sẽ thăng hạng từ vị thế thị trường cận biên hiện nay thành thị trường mới nổi theo chỉ số MSCI.

 

Thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung hiện đáp ứng các yêu cầu về quy mô và thanh khoản, với tỉ lệ tham gia của các nhà bán lẻ tăng gấp 4 lần trong 2-3 năm qua nhờ công nghệ tài khoản kĩ thuật số. Tuy nhiên, yếu tố hạn chế là giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) nghiêm ngặt, làm cản trở sự thâm nhập sâu vào thị trường.

 

Bài báo trên tờ New York Post (Mỹ) nhìn ra một yếu tố sáng giá khác của Việt Nam: Việt Nam là nước được nhắc đến đầu tiên trong danh sách bảng xếp hạng 12 quốc gia tốt nhất dành cho người hưu trí. Sputnik của Nga cũng khẳng định rằng, ngày càng nhiều người nước ngoài chọn Việt Nam là nơi sinh sống khi về già.

 

Việt Nam hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn để người nước ngoài nghỉ hưu tại Việt Nam do chi phí chăm sóc sức khỏe phải chăng, mức sống rẻ hơn. Ngoài ra, người Việt Nam rất thân thiện nên bản thân người cao tuổi nước ngoài cảm thấy thoải mái.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang