Thêm vào đó các đòn bẩy để hiện thực hóa quốc gia số bao gồm xây dựng các chương trình đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho người lao động; thu hút, giữ chân và khuyến khích các công ty đa quốc gia; hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thử nghiệm các phương thức tiếp cận mới để khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới.
Ông Konstantin Matthies- Giám đốc đối ngoại của văn phòng AlphaBeta tại Singapore nhìn nhận, nền kinh tế số mang đến nhiều cơ hội to lớn cho Việt Nam. Theo đó, doanh thu từ nền kinh tế ứng dụng của Việt Nam ước tính đạt 500 triệu USD vào năm 2015. GDP có thể tăng thêm 5 tỷ USD từ tăng trưởng của thị trường Internet di động giai đoạn 2015-2020.
Việc trở thành quốc gia số sẽ mang lại nhiều cơ hội để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Đơn cử, nếu áp dụng công nghệ số sẽ giảm đáng kể các rào cản xuất khẩu và thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể với kịch bản truyền thống, trong lĩnh vực sản xuất, khối doanh nghiệp này sẽ phải mất khoảng 255.000 - 1 triệu USD chi phí gia nhập thị trường và chi phí hoạt động tại nước ngoài, nhưng khi áp dụng kịch bản số sẽ giảm 40% chi phí xuống còn 155.000 - 675.000 USD. Còn đối với lĩnh vực dịch vụ, chi phí này giảm 82%, từ mức 430.000 - 4,1 triệu USD xuống còn 250.000 - 755.000 USD.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra, xét trên các tiêu chí của một quốc gia số, hiện Việt Nam mới chỉ dừng ở tiếp nhận thụ động cách mạng công nghiệp 4.0, chưa thực sự giữ chân và khuyến khích công ty đa quốc gia, chưa thử nghiệm các phương thức tiếp cận mới để khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới... trong khi xếp vị trí thấp của 3 trong 4 yếu tố cấu thành của một quốc gia số, đó là: Vốn tài chính; vốn con người; sản phẩm số; cộng đồng số (số lượng công ty khởi nghiệp trong nước, tổng vốn hóa thị trường của 3 công ty công nghệ hàng đầu trong nước). Tuy nhiên, hiện không có quốc gia nào chiếm ưu thế trên tất cả các lĩnh vực này và vì vậy cơ hội cho Việt Nam vươn lên thành một quốc gia số là khá sáng sủa.
Để hiện thực hóa lộ trình này, Việt Nam cần tập trung cải thiện các chỉ số trên, đồng thời chủ động thúc đẩy nền kinh tế số phát triển. Cần có dịch chuyển từ tư duy về nghề nghiệp sang tư duy về kỹ năng để cải thiện sự linh hoạt của lực lượng lao động. Bên cạnh đó, cần tận dụng các công ty đa quốc gia như những nhà định hướng giúp tăng cường đầu tư và vốn tài chính cho khởi nghiệp. Đặc biệt, phải bảo đảm tính thống nhất của các chính sách thuế, điều này được đánh giá quan trọng hơn cả mức thuế... Chính phủ cần đánh giá được những tác động của các quy định thương mại đối với môi trường đầu tư và năng lực của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong việc tận dụng các cơ hội thương mại mà nền kinh tế số mang lại.
Theo Báo Công Thương điện tử