Trong những năm qua, kinh tế biển đã đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam. Song cũng giống như các quốc gia khác, biển Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều nguy cơ: Môi trường biển bị ô nhiễm, các hệ sinh thái biển bị suy thoái, nguồn lợi thủy sản suy giảm, thiên tai biển có chiều hướng gia tăng và các tác động xấu của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
Việt Nam đang từng bước thực hiện phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất biển và hải đảo để đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, đạt đồng thời các mục tiêu phát triển kinh tế biển và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; ngăn ngừa, khắc phục các tác động xấu của thiên tai và biến đổi khi hậu; bảo vệ, khôi phục đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển Việt Nam, đóng góp vào việc cải thiện môi trường các biển Đông Á, giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Trong thời gian qua, bằng cách thể chế hóa và lồng ghép các chương trình quản lý tổng hợp biển và hải đảo vào hệ thống các chính sách, Việt Nam đã trở thành một trong những nước trong khu vực thực hiện tích cực nhất Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á.
Chính phủ Việt Nam, thông qua Bộ TN&MT, cam kết đạt được mục tiêu phát triển bền vững vùng bờ biển thông qua việc thực hiện quản lý tổng hợp biển và hải đảo, trong đó có quản lý tổng hợp vùng bờ. Cam kết về hợp tác và phát triển bền vững đã giúp cho Việt Nam trở thành địa điểm lý tưởng của Đại hội năm 2015.
Từ ngày 16-21/11 tới đây, Việt Nam, mà cụ thể là thành phố Đà Nẵng, sẽ đăng cai tổ chức Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 với chủ đề “Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương - Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các biển Đông Á sau năm 2015”.
Đây là một hội nghị quốc tế hàng đầu về phát triển bền vững và quản lý các khu vực vùng bờ, đại dương, tập trung vào các biển ở Đông Á. Đại hội là nơi trao đổi thông tin tương tác, trung tâm xây dựng và phát triển các quan hệ đối tác và là cơ chế giám sát, lập kế hoạch cho sự phát triển bền vững của khu vực các biển Đông Á.
Thông qua Đại hội, Việt Nam tiếp tục khẳng định những nỗ lực cùng với các nước trong khu vực xây dựng và duy trì biển Đông Á thành một môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo luật phát quốc tế, phát triển bền vững theo tiêu chí nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Qua đây, Việt Nam mong muốn chuyển tới bạn bè quốc tế thông điệp “Hãy hợp tác bảo vệ tài nguyên, môi trường các biển Đông Á vì lợi ích của chúng ta”.
Nguồn: Chinhphu.vn