Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 183 triệu USD.
Trong đó, có 55 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 98,3 triệu USD. Có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm là 84,8 triệu USD.
Nếu so với 4 tháng đầu năm 2019 thì, số lượng dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới tăng 11 dự án (4 tháng là 44 dự án) và tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 2,3 triệu USD. Số dự án điều chỉnh vốn đầu tư cũng tăng thêm 5 dự án với vốn đầu tư tăng thêm 31,3 triệu USD.
Tính theo lĩnh vực thì lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 81,9 triệu USD, chiếm 44,7% tổng vốn đầu tư.
Lĩnh vực ngân hàng đứng thứ hai với 37,1 triệu USD và chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư; Lĩnh vực thông tin và truyền thông đứng thứ 3 với gần 31 triệu USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư. Còn lại là các dự án thuộc các lĩnh vực khác.
Tính theo địa bàn, trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đầu tư sang 25 quốc gia, vùng lãnh thổ. Với 1 dự án quy mô vốn lớn 59,8 triệu USD, Tây Ban Nha là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư.
Hoa Kỳ xếp thứ 2 với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 44,3 triệu USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư. Campuchia xếp thứ 3 với tổng vốn đầu tư 38 triệu USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Malaysia, Nam Phi, Canada...
Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tập trung vào đầu tư ở các nước láng giềng hay đối tác quen thuộc như Lào, Campuchia hay Nga mà phát triển ra những khu vực xa hơn, như các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ, thậm chí cả những nước kinh tế phát triển trên thế giới.
Theo enternews.vn