Thứ Ba, 26/11/2024 08:36:31 GMT+7
Lượt xem: 16251

Tin đăng lúc 20-11-2018

Việt Nam sẵn sàng cùng các nước duy trì hệ thống thương mại đa phương mở, tự do và dựa trên luật pháp quốc tế

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức 7 ngày tại các nước Áo, Bỉ, Đan Mạch (từ ngày 14 - 21/10/2018); thăm và làm việc với Liên minh châu Âu; dự Hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 12 (ASEM 12) và Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn hợp tác cấp cao “Vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030” (P4G).
Việt Nam sẵn sàng cùng các nước duy trì hệ thống thương mại đa phương mở, tự do và dựa trên luật pháp quốc tế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani

Chuyến đi này đã tạo ra nhiều đột phá và được coi là một cuộc vận động tổng lực để Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) được ký vào cuối năm nay và phê chuẩn vào đầu năm sau, qua đó, hiện thực hóa những cơ hội to lớn mà hiệp định này mang lại cho cả hai bên.

 

Trải qua 3 năm với 14 vòng đàm phán và chờ Quốc hội của 28 nước thành viên EU phê chuẩn, giờ đây, Việt Nam đã nhận được sự cam kết của các nước châu Âu ủng hộ EU sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với VN và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Chủ tịch UB châu Âu cũng đã ủng hộ việc ký Hiệp định có thể diễn ra vào cuối năm 2018 và phê chuẩn vào đầu năm 2019. Việc phê chuẩn Hiệp định được hai bên coi là tín hiệu mạnh mẽ đối với thế giới về việc duy trì hệ thống thương mại đa phương mở, tự do và dựa trên luật pháp quốc tế.

Để đón đầu EVFTA, trong chuyến thăm Áo, Bỉ, Đan Mạch của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngoài những cam kết về việc tăng cường đầu tư, thương mại, chuyển giao công nghệ, các Bộ ngành và doanh nghiệp (DN) VN đã ký hàng chục văn kiện thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các nước, trong đó, Đan Mạch và Bỉ cam kết hỗ trợ VN phát triển nền nông nghiệp và chăn nuôi sạch với tất cả các quy trình về ATTP.

 

Một thỏa thuận quan trọng khác cũng được ký trong chuyến đi này là Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Cốt lõi của Hiệp định này là để bảo đảm gỗ và các sản phẩm gỗ của VN xuất khẩu sang EU sẽ có nguồn gốc hợp pháp và được xác minh, bất kể gỗ đó được khai thác ở trong nước hay nhập khẩu vào VN.

 

Chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện những quyết tâm của VN là tận dụng những cơ hội mà EVFTA mang lại. Bởi khi Hiệp định được thực thi, VN sẽ có một thị trường xuất khẩu rất lớn, 99% dòng hàng của VN sang EU sẽ không còn bị đánh thuế nhập khẩu hoặc chỉ còn ở mức 5%. Do đó, hàng loạt các sản phẩm trọng điểm của VN như nông, lâm, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày và thiết bị điện tử đều được hưởng ưu đãi về thuế quan. Ngoài ra các DN cũng được tạo điều kiện tiếp cận thị trường của nhau một cách thuận lợi nhất. Với VN lúc này, để có nhiều việc làm, tăng thu ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… thì việc mở rông thị trường, thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài chính giải pháp hữu hiệu nhất.

           

Sau đây là ý kiến của một số đồng chí lãnh đạo các Bộ ngành đã tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công du châu Âu vừa qua:

 

 

Ông Bùi Thanh Sơn - Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao

 

Ông Bùi Thanh Sơn - Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giaoThủ tướng đã tập trung kêu gọi các nước châu Á và khu vực châu Âu cùng phối hợp để ứng phó với các thách thức toàn cầu. Đây chính là cái để duy trì thương mại đa phương mở cửa tự do, phục vụ cho phát triển.

 

Trong nước, Chính phủ trình Quốc hội để phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương trong tháng 11/2018, cộng với việc chúng ta triển khai công tác đối ngoại ở khu vực châu Âu, hai bên tạo ra hiệu ứng kết hợp rất tốt. Qua đó, thể hiện được thông điệp rất mạnh mẽ rằng VN chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và tham gia vào Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; sẵn sàng cùng thế giới duy trì một hệ thống thương mại đa phương mở và dựa trên luật lệ.

 

 

Ông Trần Tuấn Anh Bộ trưởng Bộ Công Thương

 

Ông Trần Tuấn Anh Bộ trưởng Bộ Công Thương: Chắc chắn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, sẽ có những dòng đầu tư rất lớn của châu Âu vào VN. Bởi lúc đó, VN sẽ trở thành thị trường có độ mở rất lớn và liên kết chặt chẽ với các thị trường khác thông qua những cơ chế của Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương đã có. Như vậy, cả về cải cách thể chế và những điều kiện ưu đãi này cũng sẽ khuyến khích các dòng đầu tư của các DN châu Âu, nhất là những lĩnh vực mà châu Âu có thế mạnh về công nghệ nguồn. Đây chính là điều chúng ta đang hướng tới và tin tưởng rằng với hiệp định được ký kết thì giá trị tăng trưởng của xuất khẩu có thể tăng thêm từ 4-6%. 

 

 

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

 

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Nông sản của VN xuất khẩu sang châu Âu hiện nay vào khoảng trên 5 tỷ USD/năm. Bỉ là quốc gia có trình độ phát triển về công nghệ chế biến, do đó, chúng ta đặt chiến lược hợp tác với nước bạn để tranh thủ các tiến bộ KHCN, cả về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, đầu tư các DN của Bỉ với VN, nhằm khắc phục những mặt yếu của chúng ta trong khâu chế biến.

 

Đối với Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản, sản phẩm trong lĩnh vực này của chúng ta sẽ được lưu thông vào thị trường của EU một cách tự do, hướng tới mục tiêu đến 2020, sẽ đạt giá trị xuất khẩu lâm sản và đồ gỗ khoảng 12-13 tỷ USD và đến 2030 sẽ đạt khoảng 25 tỷ USD.

 

 

Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

 

Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Đoàn DN tham gia chuyến thăm châu Âu lần này không chỉ xúc tiến những cơ hội đầu tư kinh doanh cụ thể mà còn tích cực vận động cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU – VN, cũng như việc chuẩn bị kế hoạch hành động để có thể đón đầu, tận dụng tốt những cơ hội do Hiệp định này mở ra. Các lĩnh vực trọng tâm của sự hợp tác là nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, các lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn và các lĩnh vực liên quan đến đổi mới sáng tạo; hợp tác giữa các DNVVN.

 

Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài, thì việc mở rộng cánh cửa hợp tác thông qua hiệp định thương mại tự do và hiệp định đầu tư thế hệ mới với Liên minh châu Âu là các nền kinh tế có tiềm năng lớn về tài chính, có công nghệ nguồn và thân thiện với môi trường – chính là một giải pháp rất quan trọng. 

 

Như Quỳnh (tổng hợp)


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang