Theo đánh giá của các diễn giả tại phiên thảo luận, biến động kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phát triển trong tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các mối liên kết hợp tác và chuỗi giá trị toàn cầu đang phải chịu áp lực to lớn do việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và gia tăng số lượng các rào cản trong hợp tác kinh tế - thương mại. Do đó, nhu cầu đa dạng hóa hợp tác kinh tế-thương mại của các nước trong khu vực này với các đối tác nước ngoài đang gia tăng. Nga và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) đã thành thị trường quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Á.
Các đại biểu cũng thảo luận tìm kiếm những cơ chế thúc đẩy phát triển để áp dụng hiệu quả tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; những rào cản đối với việc tăng cường hợp tác và đề xuất các giải pháp để cải thiện tình hình.
ASEAN - nhân tố thúc đẩy hợp tác trong khu vực
Phát biểu đề dẫn tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề cập một nhân tố đầy triển vọng hợp tác trong khu vực, đó là ASEAN mà Việt Nam là quốc gia thành viên.
"Là thành viên tích cực, trách nhiệm trong ASEAN, đồng thời là đối tác đầu tiên ký kết FTA với EAEU, dựa trên nền tảng của mối quan hệ đối tác chiến lược, hữu nghị, truyền thống, anh em Việt Nam-Nga, Việt Nam và các nước trong EAEU, Việt Nam luôn sẵn sàng làm cầu nối cho Nga cũng như EAEU mở rộng quan hệ với ASEAN, hướng tới một hiệp định thương mại và đầu tư giữa hai khu vực", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh sau hơn 50 năm hình thành và phát triển, hình ảnh và vị thế của ASEAN ngày càng được khẳng định là một trong những tổ chức hợp tác khu vực thành công nhất, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quan hệ khu vực và quốc tế. Với một thị trường gần 3.000 tỷ USD, dân số gần 650 triệu người, ASEAN hiện được gọi chung là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và lớn thứ 3 châu Á. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ASEAN tích cực, chủ động hội nhập với thế giới.
Vào năm 1996, Nga chính thức là đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga lần thứ 3 được tổ chức tại Singapore vào năm 2018, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và Nga đã thông qua việc nâng tầm quan hệ ASEAN-Nga lên quan hệ đối tác chiến lược, đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ ASEAN-Nga.
Từ năm 2014, Ủy ban Kinh tế Á-Âu và ASEAN bắt đầu có những trao đổi về khả năng hợp tác. Năm 2016, FTA giữa Việt Nam và EAEU bắt đầu có hiệu lực. Cũng trong năm 2016, Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) và Singpore đã ký Bản ghi nhớ thể hiện sự quan tâm trao đổi hợp tác, tiến tới thành lập khu vực thương mại tự do.
Một dấu mốc quan trọng khác là vào ngày 14/11/2018, Bản ghi nhớ giữa ASEAN và EEC về hợp tác kinh tế đã được ký kết tại Singapore. Bản ghi nhớ này là nền tảng đối thoại để hai bên trao đổi khả năng mở rộng quy mô hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực, tạo điều kiện để mở rộng một cách toàn diện thương mại, hợp tác kinh tế và đầu tư giữa các thành viên EAEU và ASEAN.
Phó Thủ tướng phát biểu đề dẫn phiên thảo luận.
Năm 2018, thương mại hai chiều giữa EAEU và ASEAN đạt vào khoảng 23,15 tỷ USD (tăng 15% so với năm 2017), trong đó xuất khẩu của EAEU sang ASEAN đạt 11,7 tỷ USD; nhập khẩu đạt vào khoảng 11,45 tỷ USD. Những nước có thương mại chính với EAEU vẫn là Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Indonesia.
"Như vậy, việc phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, gia tăng kết nối giữa nền kinh tế Nga, khối EAEU và ASEAN, phát huy được các thế mạnh của cả nước Nga và vùng Viễn Đông của Nga với cả ASEAN và từng nước thành viên ASEAN, là lợi ích chung của tất cả các bên", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Phát huy vai trò FTA Việt Nam-EAEU
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu bật những tác động tích cực mà FTA giữa Việt Nam và EAEU mang lại. Kể từ khi có hiệu lực năm 2016, Hiệp định này đã góp phần quan trọng phát triển thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước EAEU. Kim ngạch thương mại song phương đạt 6,1 tỷ USD vào năm 2018, tăng 103% so với năm 2016. Ngoài ra, nhằm tăng cường hợp tác kinh tế song phương trong khuôn khổ Hiệp định, hai bên đã ký kết thêm nhiều Nghị định thư bổ sung.
Có thể nói, qua gần 3 năm đầu thực hiện, FTA Việt Nam và EAEU trở thành một khung khổ pháp lý hữu hiệu cho thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và khối EAEU, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.
Là các đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác kinh tế chuyên sâu đã được Việt Nam và Nga thiết lập trên mọi lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực như công nghiệp, năng lượng, bao gồm khai thác dầu khí, khai thác và chế biến, sản xuất các sản phẩm hóa dầu, năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân.
Để giữ tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai bên vào khoảng 25-30%/năm như hiện nay, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ hai nước cần phải phối hợp thực hiện những gói biện pháp để giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi về thuế; ký kết các hiệp định chuyên ngành để giúp giảm bớt các rào cản phi thuế quan về tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm dịch...
Ngoài ra, cần tận dụng mối quan hệ tin cậy và gần gũi anh em giữa Việt Nam và Nga để hỗ trợ phát triển quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-EAEU. Đặc biệt, các bên cần tiếp tục triển khai một cách hữu hiệu Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EAEU làm tiền đề để thuyết phục, vận động được các quốc gia khác trong việc xây dựng FTA giữa ASEAN-EAEU.
Mặc dù hiện nay quan hệ kinh tế-thương mại giữa ASEAN và EAEU còn khiêm tốn, nhưng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tin tưởng rằng, những kết quả tích cực từ FTA Việt Nam-EAEU, các quốc gia thành viên sẽ tìm ra cơ hội thúc đẩy và phát triển các hoạt động thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, năng lượng, công nghiệp chế biến, khai thác dầu khí với Cộng đồng ASEAN.
Các diễn giả tại Diễn đàn.
"Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam quan hệ hợp tác và các liên kết kinh tế, thương mại và đầu tư giữa ASEAN và Nga, trong đó có vùng Viễn Đông, sẽ có nhiều hướng phát triển mới, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương", Phó Thủ tướng kết luận.
Theo Báo Chính Phủ