Không chỉ trưng bày hiện vật, bảo tàng còn có nhiều loại hình tương tác và dẫn dắt người xem tự khám phá thông qua phương tiện truyền thông, các trò chơi tương tác, đài quan sát thiên văn cũng như khu vực dành cho khách tham quan quan sát trực tiếp các kỹ sư làm công việc điều khiển vệ tinh.
Với việc xây dựng bảo tàng, Trung tâm vệ tinh quốc gia mong muốn đẩy mạnh sự tiến bộ và những nỗ lực của Việt Nam trong công nghệ vũ trụ. Đây sẽ là điểm tham quan lý tưởng cho du khách để tìm hiểu những thay đổi của ngành vũ trụ, vốn còn mới mẻ tại Việt Nam.
PGS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia cho biết, Bảo tàng Vũ trụ Quốc gia là một phần trong Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Bảo tàng được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc với tổng diện tích trong nhà 1.675 m2 và một phần không gian ngoài trời 3.500 m2, tổng đầu tư khoảng 150 tỷ đến 200 tỷ đồng. Đáng chú ý, chỉ riêng phần thiết kế không gian trưng bày và các hoạt động tương tác bên trong bảo tàng đã có chi phí lên tới 44 tỷ đồng.
Bảo tàng sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12/2017.
Nguồn Báo Công Thương điện tử