ASEAN đã đạt được tiến bộ rất đáng khích lệ khi tại Hội nghị cấp cao lần thứ 35 vừa qua ở Bangkok, Thái Lan, 15/16 nước đã đạt được sự đồng thuận, tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và nhất trí cho Ấn Độ thêm thời gian để cân nhắc trước khi quyết định có tham gia RCEP hay không, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 tại cuộc họp báo quốc tế ngày 18/11 cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Dũng nói: “Chúng tôi rất mong Ấn Độ xem xét để có quyết định phù hợp với lợi ích chung và với lợi ích của Ấn Độ. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam rất mong muốn RCEP sẽ được ký trong năm tới và chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy các bên hoàn tất RCEP, tiến hành các công việc tiếp theo như rà soát pháp lý, các vấn đề kỹ thuật còn lại, đồng thời phối hợp, trao đổi thêm với Ấn Độ về quyết định của nước này và hy vọng RCEP sẽ được ký kết vào năm 2020”.
“Việt Nam rất quan tâm tới RCEP. Đây là lợi ích chung và cũng là quan điểm nhất quán của Việt Nam trong ủng hộ tự do hóa thương mại, ủng hộ các cơ chế thương mại đa phương. Nếu RCEP được thực hiện sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho cả khu vực, cho xu thế tự do hóa thương mại toàn cầu, đóng góp vào xu hướng chung để loại bỏ tư tưởng về chủ nghĩa bảo hộ. Việt Nam rất ủng hộ chủ trương này và Việt Nam sẽ làm hết sức mình để RCEP được ký kết trong năm 2020”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Được bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 11/2012, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực - RCEP đặt mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà hiệp hội này đã ký hiệp định thương mại tự do là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và New Zealand.
Là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, RCEP khi được ký kết sẽ hình thành một khối thương mại chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu, với tổng dân số 3,56 tỷ người và tạo ra giá trị thương mại hơn 1.000 tỷ USD, tương đương 29% giá trị thương mại toàn cầu./.
Theo VOV