Những thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Băng thông rộng di động và cố định (World Mobile Broadband & ICT) năm 2021 tổ chức sáng 25/3. Đây là diễn đàn quan trọng của các nhà quản lý, các chuyên gia viễn thông nhằm thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ viễn thông tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là công nghệ kết nối 5G.
Tại Hội thảo, báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020" do Google công bố đã ước lượng nền kinh tế số Việt Nam năm 2020 đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, cao 2 tỷ USD so với giá trị của cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số và người dùng mới tại Việt Nam chiếm đến 41%. Điều này giúp Việt Nam đang là quốc gia có tỉ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực.
Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 2/2021, Việt Nam đã có tổng số thuê bao băng rộng cố định vượt 17,2 triệu thuê bao và tổng thuê bao băng rộng di động đạt gần 69,5 triệu thuê bao. Đặc biệt, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, do tác động của dịch Covid-19, doanh thu từ dịch vụ viễn thông đã tăng gần 28% và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những tháng kế tiếp.
Dựa trên những cơ sở này, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam Trần Đức Lai đánh giá thị trường viễn thông trong nước đang có rất nhiều cơ hội để phát triển nhảy vọt, nhất là với công nghệ di động thế hệ mới 5G. Ngay trong năm 2020, các nhà mạng đã đạt được kết quả tích cực đối với các cuộc thử nghiệm tại các thành phố lớn. Do đó, trong năm 2021, quy mô thử nghiệm 5G sẽ được triển khai rộng hơn tại nhiều tỉnh thành, trong đó sẽ có sử dụng các thiết bị Make in Vietnam.
Đánh giá về sự phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam, ông Trần Đức Lai - Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam cho biết, trong năm nay, các nhà mạng đã triển khai 5G và đạt được kết quả rất tích cực. Từ năm 2021, Việt Nam sẽ thử nghiệm 5G trên diện rộng và thậm chí là bằng các thiết bị Make in Vietnam.
Đối với quá trình phát triển 5G, Việt Nam đặc biệt quan tâm ứng dụng 5G vào nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, ông Trần Đức Lai chia sẻ.
Về phía đại diện của cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm khẳng định Việt Nam đã và đang bước vào kỷ nguyên số, xã hội số. Sự chuyển dịch từ thế giới thực sang thế giới ảo, sự chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội sang môi trường số đang từng bước được hình thành. Trong đó, dữ liệu sẽ trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng.
Để quá trình dịch chuyển này đúng lộ trình, phát huy được tối đa hiệu quả thì hạ tầng viễn thông là yếu tố cốt lõi. Hạ tầng di động với 5G, băng rộng cố định, nền tảng IoT, AI, Big Data, an ninh mạng, định danh số và thanh toán điện tử sẽ đóng góp rất lớn trong sự phát triển của đất nước.
Do vậy, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đã nhiều lần nhắc tới chuyển đổi số, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, chính phủ số, kỹ năng số…
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược Bộ TT&TT, tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP được dự báo đạt 7,34% vào năm 2025. Vì vậy, Bộ TT&TT xác định sẽ đi cùng nhịp với thế giới và chủ động trong việc triển khai thương mại hóa 5G tại Việt Nam ngay trong năm 2021, Thứ trưởng Phát Tâm nói.
Cũng trong Hội thảo, Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam đã phối hợp cùng IDG Việt Nam công bố danh sách các nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng, cố định và điện toán đám mây tiêu biểu năm 2021. Hầu hết những nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu Việt Nam đều năm trong danh sách này như: Viettel, MobiFone, VinaPhone, FPT hay CMC.
Theo Kinhtedothi