Hiện nay EU đang là nhà đầu tư lớn nhất ở một số thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ hay ngay trong khu vực ASEAN nhưng chưa phải là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hiệp định EVFTA với các cam kết cởi mở, tiến bộ, bảo đảm một môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn tại Việt Nam; tính liên kết chặt chẽ với các thị trường trong khu vực khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành; cùng với trình độ phát triển kinh tế ngày càng cải thiện hơn của Việt Nam... sẽ tạo đường dẫn thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao của EU vào Việt Nam.
Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của các nước EU nói chung và việc cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành từ cuối năm 2015, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Hơn nữa, theo Hiệp định này, Việt Nam có cam kết trong các lĩnh vực mới như mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ mức độ cao, chính sách cạnh tranh. Các cam kết này cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường, bảo đảm lợi ích tổng thể, cân bằng; đồng thời đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước liên quan. Trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU cũng đã thống nhất khuôn khổ cho các chương trình hợp tác và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm. Khuôn khổ này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục xây dựng hệ thống pháp lý, hỗ trợ triển khai các cam kết trong Hiệp định hướng tới mục tiêu cuối cùng là tăng cường các hoạt động thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Việt Nam có thể trở thành đối tác lớn nhất của EU tại ASEAN
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam - EU đạt 45,07 tỷ USD năm 2016 với tốc độ tăng trưởng 8,93% so với 2015. Vì thế, với hơn 500 triệu dân đặc biệt ưa chuộng các mặt hàng mà Việt Nam vốn có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy sản, cà phê… EU luôn được đánh giá là thị trường hấp dẫn và đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, việc thực thi các cam kết mở cửa thị trường có khả năng thúc đẩy kim ngạch hai chiều đạt khoảng 100 tỷ USD/năm. Không chỉ vậy, nền công nghiệp hiện đại, tiên tiến của EU cũng sẽ là nguồn cung tin cậy cho máy móc thiết bị, công nghệ hay một số nguyên liệu đầu vào mà hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu từ các thị trường khác với giá cả và chất lượng kém cạnh tranh hơn.
Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt buộc phải tự đổi mới, tự cải thiện năng lực của mình khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhưng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt phát triển thị trường, tiếp cận công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến của EU. Mặt khác, đây cũng là động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý để đáp ứng kịp với tốc độ và nhu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam, tác động cộng hưởng của Hiệp định EVFTA và các FTA đã ký là rất lớn đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam, giúp các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam ngày càng tăng trưởng tại các thị trường có FTA. Ðối với cả Việt Nam và EU, có thể nói thương mại hàng hóa sẽ là lĩnh vực hứa hẹn nhất hiện nay do việc xóa bỏ thuế quan sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vốn đã và đang phát triển mạnh mẽ giữa hai bên. Khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU tại khu vực ASEAN và là điểm đến kinh doanh hứa hẹn nhất tại khu vực Đông Nam Á cho các doanh nghiệp châu Âu. Qua đó, vị thế của Việt Nam trong quan hệ thương mại quốc tế sẽ được nâng lên một tầm cao mới./.
Quỳnh Anh