Việc thăng hạng này được đánh giá từ sự cải thiện trong khâu hải quan và giảm thời gian thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Để đưa ra đánh giá này, WEF căn cứ vào 4 nhóm tiêu chí gồm: Tiếp cận thị trường (tiếp cận thị trường trong nước, thị trường nước ngoài); Quản lý biên giới (Hiệu quả và minh bạch trong quản lý biên giới); Cơ sở hạ tầng (chất lượng hạ tầng giao thông, chất lượng dịch vụ vận chuyển, sử dụng công nghệ thông tin), và yếu tố về môi trường kinh doanh.
Trong đó, tiêu chí tiếp cận thị trường của Việt Nam đạt 4,5 điểm, xếp thứ 74. Ngoài ra, một số tiêu chí khác cũng được cải thiện như sử dụng công nghệ thông tin (hạng 66), chất lượng dịch vụ vận chuyển (hạng 60), chất lượng hạ tầng giao thông (hạng 64) và môi trường hoạt động (hạng 77).
Theo WEF, do sự đơn giản hóa trong quá trình nhập cảnh ở cửa khẩu biên giới, tiến bộ trong việc tăng khả năng tiếp cận thị trường trong nước cho hàng hóa nhập khẩu, tăng thị phần hàng hóa nhập khẩu miễn thuế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN xuất nhập khẩu, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh thương mại của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam ngày càng hội nhập hơn vào kinh tế toàn cầu, điều này đã giúp các nước dễ dàng tiếp cận và đưa hàng hóa vào thị trường các nước ASEAN hơn so với các nước châu Âu và Mỹ.
Ngoài ra, sự tiến bộ được nhận thấy trong bản báo cáo lần này là hoạt động kết nối hàng hải quốc tế của Việt Nam được xếp thứ 19, tăng 9 bậc. Trong các năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam không ngừng được nâng cao, tạo thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa. Dù vậy, Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc quy hoạch, phát triển hạ tầng, xây dựng mạng lưới giao thông đường bộ.
Nhìn chung, với sự tham gia tích cực trong các diễn đàn kinh tế khu vực cũng như các hiệp định thương mại tự do cùng với sự bảo vệ mạnh mẽ quyền sở hữu, cũng như gia tăng hiệu quả của các dịch vụ công, Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường hoạt động cho DN.
Nguồn Báo Công Thương