Chuỗi cung ứng hướng về Việt Nam
Theo giới chuyên gia kinh tế, thời gian qua một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.
Dữ liệu từ Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy, lượng hàng hóa Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 tăng 35,6% so với cùng kỳ, đối nghịch với mức giảm 16,2% trong lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Dữ liệu năm nay sẽ bị ảnh hưởng do tác động của COVID-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục.
Ông Stephen Wyatt - Tổng giám đốc JLL Việt Nam - đánh giá, Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Dù dịch COVID-19 đang gây ra những khó khăn nhất định đối với các quyết định cũng như hoạt động di dời, chủ đầu tư vẫn tự tin tăng giá đất trong quý đầu năm 2020 do đây là xu hướng đầu tư trong dài hạn.
Theo báo cáo quý I/2020 của JLL, miền Bắc thu hút phần lớn các tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc, với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt và vị trí cần kề với Trung Quốc. Giá đất trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn - lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4,0-5,0 USD/m2/tháng, và đều đã được lấp đầy.
Tại khu vực miền Nam, JLL ghi nhận số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong trong quý I/2020 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc phát triển logistics/cơ sở hạ tầng lại không tương ứng với mức tăng giá đất này vì quá trình phát triển cho những thay đổi đáng kể về hạ tầng vẫn diễn ra chậm chạp, do đó các nhà đầu tư tiềm năng phải bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế khác. Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5-5,0 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại.
Dưới tác động của COVID-19, việc tạm hoãn các thỏa thuận thuê đất và các nhu cầu mới sẽ ngày càng rõ nét hơn nếu tình hình không sớm cải thiện. Tuy nhiên, thị trường sẽ phục hồi và phát triển nhanh sau khi dịch được kiểm soát. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia.
Sẵn sàng đón dòng vốn sau dịch
Để đón cơ hội đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, rất nhiều địa phương đã lên phương án chuẩn bị sẵn quỹ đất, giảm thuế thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà đầu tư. Đơn cử như Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh này - cho biết, mặc dù hiện các hoạt động đầu tư vào những cụm, khu công nghiệp trong tỉnh đang chững lại do đại dịch song tỉnh vẫn có sẵn các phương án trải thảm đỏ đón đầu tư ngay khi dịch kết thúc.
Cụ thể, Hậu Giang miễn 100% tiền thuê đất, miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất khi đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt (nông nghiệp, công nghệ cao…). Đặc biệt, thông qua các văn phòng đại diện, đại sứ quán của nước ngoài tại Việt Nam tỉnh sẽ gửi thư mời gọi đầu tư tới những doanh nghiệp có nhu cầu.
Tương tự, tại Long An, nhiều khu công nghiệp lớn cũng đã đồng bộ sẵn nhà xưởng, thiết kế tối ưu cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hướng dẫn và thực hiện theo quy định cho các chuyên gia lao động nước ngoài, cập nhật các quy định hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thuế, ngân hàng,… Tất cả nhằm đón những cơ hội từ làn sóng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam trong tương lai.
Theo Báo Công Thương