Đầu năm 2015, Samsung đã đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất tấm EL hữu cơ tại tỉnh Bắc Ninh. Kế hoạch đầu tư 1,9 tỷ USD sẽ giúp mở rộng nhà máy sản xuất tấm EL hữu cơ hiện nay.
Cùng với cơ hội sẽ được mở ra khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được ký kết, những dự án như trên chứng tỏ tiềm năng lớn của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử cơ khí. Từ nay đến năm 2020 và xa hơn là đến năm 2030, Việt Nam có triển vọng trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới.
Các chuyên gia nhìn nhận cơ sở của việc đưa ra triển vọng này là kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chủ yếu của Việt Nam hiện chiếm đến 63,3% kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, xét về nguồn nhân lực, các con số thống kê cho thấy, quy mô và trình độ nguồn nhân lực liên tục được cải thiện. Đến năm 2025, lao động công nghiệp của Việt Nam sẽ lớn hơn lao động công nghiệp của Đức và Nhật Bản cộng lại. Chi phí lao động thấp cũng vẫn là một lợi thế của Việt Nam. Một lợi thế khác cũng cần được kể đến là hệ thống giao thông của Việt Nam đã và sẽ tiếp tục phát triển. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do đã được ký cho phép Việt Nam tiếp cận thị trường các nước có tổng GDP bằng 63% GDP thế giới với thuế suất 0%.
Tuy nhiên, để triển vọng trên trở thành hiện thực, một trong những việc cần làm là tạo được đột phá mới trong thu hút đầu tư nước ngoài; sửa đổi quan niệm không đúng về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bởi có quan niệm cho rằng, vốn FDI ít đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trên thực tế, thống kê lũy kế các dự án còn hiệu lực cho thấy, tổng vốn đầu tư đăng ký của công nghiệp chế biến, chế tạo là 145,282 tỷ USD, xếp đầu và chiếm đến 56,4% tỷ trọng vốn, bỏ xa lĩnh vực thứ hai là kinh doanh bất động sản (chiếm 18,9%).
Để tạo được đột phá trong thu hút vốn FDI và thu hút được những công nghệ mới nhất, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và doanh nghiệp của 10 nước, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, cần có biện pháp xúc tiến đầu tư hiệu quả để 12 nền kinh tế thuộc 16 nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Hoạt động xúc tiến đầu tư cần chú trọng đến yếu tố khác biệt và tương đồng về văn hóa; tăng cường minh bạch và nhất quán trong triển khai thực thi chính sách đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư...
Hoạt động xúc tiến đầu tư cần chú trọng đến yếu tố khác biệt và tương đồng về văn hóa; tăng cường minh bạch và nhất quán trong triển khai thực thi chính sách. |
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử