Thỏa thuận lịch sử
Thỏa thuận Paris được coi là bước đột phá trong việc thuyết phục Chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm khiến nhiệt độ của Trái đất tăng lên.
Mô tả đây là một "thỏa thuận lịch sử", Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius cho biết Thỏa thuận Paris sẽ hạn chế tình trạng ấm lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C và nỗ lực cho một mục tiêu lớn hơn là 1,5 độ C.
Cùng với đó, mỗi năm, kể từ năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỉ USD (92 tỉ euro) để giúp các nước đang phát triển ứng phó với hiện tượng ấm lên trên toàn cầu.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng Thỏa thuận Paris là một thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu.
"Chúng ta đã chung tay cho việc để lại một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau”, ông Ban Ki-moon bày tỏ.
Theo Tổng thống Pháp Francois Hollande, tại Paris đã có rất nhiều cuộc cách mạng trong nhiều thế kỷ, nhưng đây là cuộc cách mạng tuyệt vời nhất - cuộc cách mạng về biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi thỏa thuận đạt được “có tầm quan trọng to lớn” với việc hầu hết các nước trên thế giới đều tham gia. Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng là hai nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất trong số các nước đang phát triển đã hoan nghênh thỏa thuận lịch sử tại Paris và cho rằng, đây là bước tiến đến tương lai tươi sáng hơn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại phiên khai mạc COP 21. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đóng góp tích cực của Việt Nam tại COP 21
Dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam dự Hội nghị, trong phát biểu của mình tại phiên khai mạc COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: Nội dung Thỏa thuận cần bảo đảm sự đóng góp công bằng giữa các quốc gia và có sự cân bằng trong các nội dung về giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ... Các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận này.
Điều đáng mừng là cùng với các tiếng nói khác của nhiều nhà lãnh đạo các nước đang phát triển, đề nghị quan trọng nêu trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn Việt Nam đã được các nước phát triển và toàn thể Hội nghị, với các đại biểu đến từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới ghi nhận và thể hiện rõ trong các điều khoản và cam kết ràng buộc trong Thỏa thuận Paris.
Phát biểu của Thủ tướng cũng đã thể hiện trách nhiệm rất rõ ràng của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới.
Cụ thể đối với giai đoạn sau năm 2020, mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Việt Nam cũng đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020, trong điều kiện khó khăn về nguồn lực. Qua đó thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm của Việt Nam khi thực hiện các nghĩa vụ trong Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto.
Sự tham dự tích cực cũng như cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 đã được nhiều quốc gia chia sẻ và đánh giá cao, qua đó đóng góp thiết thực cho thành công của Hội nghị lịch sử này./.
Nguồn: Chinhphu.vn