Thứ Năm, 21/11/2024 19:37:14 GMT+7
Lượt xem: 2916

Tin đăng lúc 06-03-2020

Việt Nam vẫn là đích đến của nhà đầu tư ngoại

Hiện nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam, có thể bằng hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua bên thứ 3.
Việt Nam vẫn là đích đến của nhà đầu tư ngoại
Ford Việt Nam vừa công bố khoản đầu tư bổ sung hơn 1.900 tỷ đồng nâng cấp nhà máy tại Hải Dương

Nỗ lực của Chính phủ

 

Bất chấp dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn cầu, phái đoàn 45 doanh nghiệp lớn và đoàn doanh nghiệp cấp cao ngành khoa học đời sống và y tế Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam nhằm tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh.

 

Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak, hiện là Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19 với thiệt hại khoảng 50-60% doanh thu trong tháng 2/2020. Tuy nhiên, đây là lúc hai bên cùng bắt tay hợp tác để trở lại mạnh mẽ ngay khi dịch bệnh kết thúc.

 

Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác đối phó với dịch bệnh đã tạo niềm tin rất lớn cho các doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn được mở rộng hợp tác đầu tư tại thị trường Việt Nam. Việc đang và sẽ diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, quy tụ nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ tại Việt Nam hiện nay, thể hiện niềm tin vào công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện.

 

Điều này càng khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Ông Michalak nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã cầu thị lắng nghe các phản hồi, đề xuất kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng, qua đó đưa ra các biện pháp xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

 

Những động thái ngày càng tích cực đó khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong những năm trở lại đây. Thực tế, làn sóng chuyển dịch đầu tư của Hoa Kỳ sang Việt Nam đã bắt đầu diễn ra từ năm ngoái do tác động của cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và càng trở nên rõ rệt hơn trong năm nay khi Trung Quốc lại đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đơn cử, Tập đoàn Ford đã quyết định gia tăng năng lực sản xuất bằng việc đầu tư nhà máy lắp ráp tại Hải Dương; hay General Electric (GE) cũng đã tăng vốn đầu tư vào nhà máy tourbin gió ở Hải Phòng và đang có nhu cầu mở rộng thêm nữa. Trong lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh vào Việt Nam để tăng cường xuất khẩu LNG sang Việt Nam. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã cấp phép cho tập đoàn năng lượng lớn của Hoa Kỳ là AES được triển khai dự án khí LNG ở Sơn Mỹ. Đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phân phối điện trên thế giới.

 

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực trang thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe và dược phẩm cũng  được doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm thúc đẩy thủ tục để sớm triển khai hợp tác. Nếu các thỏa thuận hợp tác được thông qua sớm thì con số đầu tư vào Việt Nam sẽ còn tăng cao hơn nữa. Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh, song ông Alexander C.Feldman - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN kỳ vọng, Việt Nam sẽ tăng cường minh bạch hơn nữa trong mua sắm đấu thầu, cắt giảm các thủ tục hành chính kinh doanh, xuất nhập khẩu, tạo ra một môi trường pháp lý hỗ trợ hơn, cụ thể ở các lĩnh vực kinh tế mới, kinh tế sáng tạo, kinh tế số để có thể sẵn sàng chuyển hóa nhanh các cơ hội.

 

Cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu

 

Hiện nhiều công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon đã có kế hoạch chuyển hướng đầu tư sản xuất thiết bị điện tử về Việt Nam, có thể bằng hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua bên thứ 3. Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội sẽ trở thành nhà cung cấp. Thêm nữa, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Hoa Kỳ cũng đã có kế hoạch tăng cường nhập khẩu hơn nữa hàng Việt Nam vào chuỗi cung ứng.

 

Hiện nay, trước thực trạng dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, không chỉ doanh nghiệp Mỹ, mà các doanh nghiệp Đức trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cũng đặc biệt quan tâm và mong muốn xuất khẩu các sản phẩm trang thiết bị y tế sang Việt Nam. Mà một trong những chiến lược tiếp cận thị trường Việt Nam hiệu quả được các doanh nghiệp Đức chọn lựa chính là sử dụng thương hiệu lớn và uy tín của mình và hợp tác với các đối tác doanh nghiệp trong nước.

 

Ở chiều ngược lại, là quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam luôn ở vị trí top đầu, sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường nội địa khiến các doanh nghiệp Nhật Bản đến đây không chỉ với tâm thế xây nhà máy để sản xuất/gia công xuất khẩu nữa, mà còn muốn bán hàng ngay tại thị trường này. Xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam - sản xuất tại Việt Nam - tiêu dùng tại Việt Nam không chỉ tạo cơ hội để các nhà đầu tư Nhật Bản nhanh chóng mở rộng thị phần mà còn giúp họ khép kín chuỗi giá trị, tận dụng tối đa lợi thế của các FTA mà Việt Nam đã ký. Sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp Nhật Bản đang tỏ ra đúng hướng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cả của Việt Nam lẫn nước ngoài tại Việt Nam đang phải hứng chịu cảnh đứt gãy nguồn cung, thiếu trầm trọng nguồn nguyên phụ liệu, đứng trước nguy cơ đóng cửa nhà máy, còn cao hơn là phải phá sản.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang