Chủ Nhật, 24/11/2024 08:06:29 GMT+7
Lượt xem: 708

Tin đăng lúc 31-10-2022

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 41,2 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ hai của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.
Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 41,2 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều hàng hóa của Việt Nam. Ảnh: C.N

Hàng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng trưởng rất cao

 

Tại phiên thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến năm 2023, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương “báo tin vui” khi 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 558 tỉ USD, xuất siêu hơn 7 tỉ USD. 

 

“Số liệu tháng 10, mặc dù chưa công bố, nhưng tôi thông tin luôn, đó là đã đạt 620 tỉ USD, trong đó xuất khẩu là 313 tỉ USD, nhập khẩu 306,1 tỉ USD, xuất siêu gần 8 tỉ USD”, ông Nguyễn Hồng Diên nói và cho biết, dự kiến cả năm, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ đạt hơn 800 tỉ USD, xuất siêu có thể đạt hơn 10 tỉ USD. Đây là thành tựu rất ngoạn mục của xuất nhập khẩu Việt Nam”, ông Diên nói.

 

Theo ông Diên, trong năm 2022, Việt Nam có 32 mặt hàng xuất nhập khẩu trên 1 tỉ USD, cao hơn nhiều so với các năm trước. Các mặt hàng tập trung vào những thế mạnh khai thác tốt FTA của ta như dệt may tăng 24%, da giày tăng 36%; đồng thời cũng tranh thủ giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu các ngành hàng như hoá chất, phân bón.

 

Đáng chú ý, số liệu từ Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Á trong 9 tháng năm 2022 đạt trị giá 131,61 tỉ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc dẫn đầu với trị giá 41,22 tỉ USD, tăng 6,4% so với 9 tháng của năm 2021.

 

Đặc biệt, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt trị giá 10,07 tỉ USD, tăng vọt 42,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng rất cao trong những năm qua.

 

Việt Nam đã vươn lên vị trí nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ 2 trên thế giới. Năm 2021, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện của Việt Nam đạt 57,54 tỉ USD, tăng 12,4% so với năm 2020 và đạt kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc dẫn đầu với 15,18 tỉ USD, tăng 23%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 9,69 tỉ USD, tăng 10,3%...

 

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều hàng hóa của Việt Nam

Ngoài điện thoại và linh kiện, trong 9 tháng qua Việt Nam đã xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 8,88 tỉ USD, tăng 12,8%; sang thị trường Hồng Kông đạt 4,54 tỉ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Kế đến là kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Trung Quốc đạt 2,66 tỉ USD, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm trước. Hay xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này cũng tăng đến 43,9% khi đạt 1,62 tỉ USD, tăng 43,9%...

 

Ông Hà Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và đầu tư chợ gỗ Tài Anh - cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu gỗ, tuy nhiên, từ đầu tháng 8 tới nay, công ty đã bắt đầu nhận được nhiều đơn đặt hàng từ thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Với những đơn hàng này, từ nay đến cuối năm công ty phải mở rộng sản xuất mới kịp tiến độ.   

 

Theo ông, “điểm sáng” của ngành gỗ hiện nay là xuất khẩu viên nén, dăm gỗ (8 tháng đầu năm tăng gần 200% so với cùng kỳ). Lý do là hiện tại, EU, Nhật Bản và một số nước châu Á tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế cho khí đốt.

 

Theo nhận định, những tháng còn lại nếu các doanh nghiệp duy trì phong độ thì kim ngạch xuất khẩu từ gỗ có thể đạt mục tiêu 16,4 tỉ USD trong năm 2022.

 

Đặc biệt các nông sản của Việt Nam, từ mặt hàng thủy sản, rau quả; hạt điều; cà phê đến chè; gạo; sắn và sản phẩm sắn; cao su, sản phẩm từ cao su… đã và đang được tiêu thụ nhiều tại Trung Quốc. Có thể kể đến như xuất khẩu thủy sản trong 3 quý qua sang Trung Quốc đạt 1,21 tỉ USD, dẫn đầu về mức tăng đến 85,4%. 

 

Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác thị trường Trung Quốc. Với dân số hơn 1,4 tỉ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang