Từ khát vọng cháy bỏng làm chủ công nghệ thông tin
Năm 1989, trước yêu cầu xây dựng nền quốc phòng từng bước hiện đại gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, Đảng, Nhà nước đã chủ trương cho Bộ Quốc phòng chuyển một phần cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm về công nghệ thông tin của quân đội sang làm kinh tế, nghiên cứu và triển khai các cơ sở dịch vụ kỹ thuật viễn thông phục vụ quốc phòng và dân sự. Sigelco ra đời từ đó trở thành tiền thân của Tập đoàn Viettel hôm nay.
Suốt chặng đường 30 năm hoạt động không ngừng phát triển, Viettel đã hiện thực hóa khát vọng cháy bỏng của mình là vươn lên làm chủ công nghệ viễn thông – bứt phá đuổi kịp bước phát triển như vũ bão của thế giới trong thời đại 4.0. Từ ngành nghề chính ban đầu là xây lắp công trình viễn thông, đến nay Viettel đã phát triển thêm 5 ngành nghề mới là ngành dịch vụ viễn thông & CNTT; ngành nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông; ngành công nghiệp quốc phòng; ngành công nghiệp an ninh mạng và ngành cung cấp dịch vụ số. Viettel được đánh giá là một trong những doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn và hiệu quả nhất Việt Nam, thể hiện ở các tiêu chí doanh thu lớn nhất, nộp ngân sách nhà nước cao nhất, giá trị thương hiệu cao nhất.
Đến những chiến công vang dội từ vũ khí chính là chất xám
Sau 30 năm, những người lính làm kinh tế đã gây dựng Viettel trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 500 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu. Viettel đã hiện diện tại 17 quốc gia, trong đó đầu tư và kinh doanh tại 10 thị trường nước ngoài, doanh thu hàng năm đạt hơn 10 tỷ USD, tương đương với 3% GDP của Việt Nam.
Chỉ tính từ năm 2000 tới nay, Viettel đã tạo ra hơn 1,78 triệu tỷ đồng doanh thu; lợi nhuận đạt 334 ngàn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 134 ngàn tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thường xuyên đạt từ 30-40%. Viettel đã chi 3.500 tỷ đồng thực hiện các chương trình xã hội.
Tiêu biểu tại một số địa phương, hoạt động kinh doanh của Viettel không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn trở thành đơn vị có hoạt động xã hội từ thiện dẫn đầu. Tại Bình Định, năm 2004, Viettel Bình Định khai trương trạm phát sóng đầu tiên, đến nay đã có hơn 720 trạm phát sóng, hơn 832 nghìn thuê bao di động; doanh thu đạt hơn 899 tỉ đồng (đến hết năm 2018). Trong 15 năm qua, Viettel Bình Định đã nộp ngân sách tỉnh gần 420 tỉ đồng, thực hiện công tác xã hội hơn 9,4 tỉ đồng, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương và an sinh xã hội. Đặc biệt, dịch vụ viễn thông công ích điện thoại homephone của Viettel có mặt tại các xã khó khăn với số lượng hơn 60.000 thuê bao, tổng số tiền hỗ trợ hơn 18 tỉ đồng; số lượng internet trường học cung cấp miễn phí hơn 368 trường, với số tiền duy trì 3,3 tỉ đồng/năm...
Ở Hà Nội, Viettel cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu trong việc đóng ngân sách của thành phố, là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và CNTT lớn nhất, là đơn vị rất chú trọng và phối hợp có hiệu quả với chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội các chương trình xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu rộng, đã cung cấp đường truyền internet miễn phí cho gần 2.000 trường học, khám và tư vấn sức khỏe cho 3.500 người dân, hỗ trợ lắp đặt dịch vụ truyền hình số cho 10.000 hộ nghèo, xây dựng 5 ngôi nhà tình nghĩa các giai đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tổng giá trị tài trợ là gần 32 tỷ đồng.
Liên tục tiến công, thần tốc chiếm lĩnh đỉnh cao mới
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Viettel là minh chứng sống động cho hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực trọng yếu, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đánh tan quan niệm doanh nghiệp nhà nước khó có thể làm ăn hiệu quả. Viettel cho thấy bài học, cho dù là doanh nghiệp trong thành phần kinh tế nào thì con người, quản trị là mấu chốt của thành công”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ban lãnh đạo Tập đoàn Viettel.
Không ngủ quên trên chiến thắng, Viettel luôn hướng đến tầm nhìn mới với ý chí và nghị lực cao nhất nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh KHCN viễn thông, phát triển rộng thị trường trong và ngoài nước.
Tiếp tục sứ mệnh "Sáng tạo vì con người”, Viettel liên tục tiến công với vai trò người lính tiên phong, tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, thực hiện chuyển đổi số và kiến tạo xã hội số ở Việt Nam. Viettel sẽ đẩy mạnh 3 ngành công nghiệp công nghệ cao là công nghiệp điện tử viễn thông; công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh mạng, nhằm bắt nhịp cùng thế giới trong cuộc cách mạng 4.0, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền của đất nước trên cả không gian thực và không gian ảo. Trong giai đoạn phát triển tới, Viettel tiếp tục xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT hiện đại nhất làm nền tảng đưa công nghệ 4.0 vào mọi lĩnh vực đời sống. Trước mắt, Viettel đầu tư để sớm triển khai thương mại hóa công nghệ siêu băng rộng 5G, tạo ra hạ tầng kết nối IoT rộng khắp để kết nối hàng tỉ thiết bị, quản lý và điều khiển tự động với tốc độ siêu nhanh, không độ trễ.
Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tập đoàn Viễn thông Viettel nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Trước đó, Viettel đã 2 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lao động năm 2007; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2013). Nhưng phần thưởng cao nhất vẫn là niềm tin yêu, sự khâm phục của nhân dân đối với Viettel - những người lính tiên phong của Việt Nam trong thời đại 4.0.
Văn Thuận