Trong khi đó, nhu cầu về thoại, tin nhắn sẽ không có nhiều biến động. Số liệu vào dịp Tết Dương lịch 2019 cũng thể hiện rõ xu thế này của người dùng Việt Nam. Lưu lượng data 3G và 4G tăng 2 lần so với Tết Dương lịch năm 2018, riêng lưu lượng data trên mạng 4G tăng tới 3 lần, song nhu cầu về thoại lại giảm nhẹ từ 5-10%.
Với dự báo về hành vi tiêu dùng trên, đa số các giải pháp của Viettel năm nay đều tập trung nâng cao chất lượng mạng 4G, đặc biệt đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng dịch vụ data của khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán như truy cập Internet, chia sẻ hình ảnh, video, livestream,… kể cả vào khung giờ cao điểm và các khu vực lễ hội, sự kiện tập trung đông người.
Cụ thể, ngoài lợi thế hạ tầng gần 120.000 trạm phát sóng, trong đó có 40.000 trạm 4G trên toàn quốc, Viettel chủ động triển khai thêm khoảng 12.000 giải pháp kỹ thuật như phát sóng trạm mới, bổ sung tài nguyên, nâng cấp dung lượng, chuẩn bị hàng trăm xe thu, phát sóng lưu động,... Gần 230 bộ phát wifi được lắp đặt bổ sung tại các điểm trọng yếu, đông người như khu trung tâm, nhà ga, bến xe,… Năm nay, Viettel tăng cường gần 2.100 bộ ăng ten công nghệ búp sóng kép (twin beam) có khả năng tăng gấp đôi dung lượng của trạm phát sóng, giúp mở rộng vùng phủ phục vụ khách hàng.
Để đảm bảo chất lượng mạng lưới, Bên cạnh các chỉ số về mặt kỹ thuật (KPI) và theo dõi ở mức trạm, Viettel đã chuyển hướng sang giám sát và cải thiện các chỉ số về trải nghiệm khách hàng (KQI) như chất lượng cuộc gọi, tốc độ tải video clip, tốc độ duyệt web,…
Một trong những công cụ mới nhất được Viettel đưa vào áp dụng để tự động tối ưu chất lượng mạng có tên là Viettel SON (Self Optimization Network). Thay vì nhân sự kỹ thuật phải mất khoảng 15 phút để lấy dữ liệu từ hệ thống, phân tích, sau đó tác động, điều chỉnh tham số mạng lưới nhằm giảm nghẽn tại các khu vực đông người, với Viettel SON, toàn bộ quá trình này sẽ diễn ra tự động, nhanh chóng, thậm chí tức thì để khách hàng có được chất lượng dịch vụ tốt nhất. Đây cũng là xu thế của các nhà mạng lớn trên toàn cầu.
Tết cũng là thời điểm khách hàng có nhu cầu di chuyển nhiều. Thời gian nghỉ Tết năm nay kéo dài tới 9 ngày nên lượng khách hàng có kế hoạch đi du lịch sẽ tăng. Do đó, Viettel đã thực hiện rà soát, tối ưu lại các tuyến đường quốc lộ, các thủ phủ tỉnh/huyện, khu vực du lịch, nghỉ dưỡng,... Theo cơ sở dữ liệu phân tích hàng năm, các tỉnh/TP được dự đoán sẽ có lượng khách hàng di chuyển đi nhiều nhất là Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai và Tp. Hồ Chí Minh. Một số địa phương có khách hàng di chuyển đến nhiều nhất như Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang.
Bên cạnh dịch vụ di động, Viettel triển khai đồng loạt các giải pháp đảm bảo chất lượng mạng và tăng dung lượng ở tất cả các hệ thống dịch vụ như điện thoại cố định, Internet, truyền hình để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng cao vào dịp Tết truyền thống. Dịch vụ truyền hình trên ứng dụng di động Onme được đảm bảo độ phân giải full HD.
Về con người, Viettel cũng tăng cường hàng nghìn nhân sự kỹ thuật từ huyện, tỉnh/TP trở lên để theo dõi, giám sát sự di chuyển thuê bao và các điểm nóng, tập trung đông người trên toàn quốc, sẵn sàng triển khai giải pháp khi lưu lượng tăng cao hơn so với dự đoán.
Như vậy, với hạ tầng mạng lưới lớn nhất Việt Nam, Viettel đã sẵn sàng đảm bảo tất cả các dịch vụ di động (2G, 3G và 4G), điện thoại cố định, Internet, truyền hình cho khách hàng trên toàn quốc vào dịp Tết Nguyên đán 2019 .
Theo Enternews