Hội nghị Sữa Toàn cầu lần thứ 13, diễn ra tại Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 25 đến 27/6, Vinamilk là đại diện duy nhất của châu Á có bài thuyết trình về chủ đề sữa organic.
Ông Phan Minh Tiên, Giám đốc điều hành đã giới thiệu chặng đường đến với sữa organic, về những trang trại đạt tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đã xây dựng. "Chúng tôi được mời tham dự và nói chủ đề này do Ban tổ chức ghi nhận đã có nhiều thành tựu", ông cho hay.
Cụ thể, Vinamilk có trang trại organic đầu tiên vào năm 2017 tại Đà Lạt, cũng là trang trại sữa organic chuẩn châu Âu đầu tiên tại Đông Nam Á. Hãng khởi công dự án tiếp theo tại Lào vào tháng 4/2019, dự kiến sẽ là trang trại sữa organic lớn nhất châu Á với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Tháng 5 vừa rồi, công ty ra mắt sản phẩm sữa công thức organic đầu tiên của Việt Nam đạt 3 tiêu chuẩn của Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.
Lần đầu đem sữa organic nói ở một sự kiện quy mô quốc tế, vị đại diện doanh nghiệp lồng ghép nhiều câu chuyện về trẻ em Việt Nam, về thị trường sữa còn non trẻ thu hút sự chú ý của khán phòng. Ông là người duy nhất kết thúc bài trình bày bằng một video clip bài hát. Được Vinamilk đầu tư sản xuất sau hiệu ứng U23, MV "Vươn cao Việt Nam" khiến những khán giả nước ngoài ngồi dưới ngạc nhiên và thích thú khi nội dung hầu như không liên quan đến Vinamilk hay sữa, mà nói về tinh thần vươn lên của con người Việt Nam.
Bài hát khiến vài đại diện Việt Nam ngồi bên dưới rơm rớm nước mắt, trong khi những quan khách nước ngoài thích thú và vỗ tay không nghỉ.
Bài trình bày nhận được nhiều câu hỏi từ Diễn đàn. Trong đó, trả lời câu hỏi về phản ứng của người dùng với sữa organic, ông Phan Minh Tiên nhận xét người Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung thường có xu hướng ưu tiên những gì tốt nhất cho con mình. Đó là lý do sản phẩm được đón nhận nhiều hơn mong đợi ban đầu.
Ông cũng lập tức nhận được lời đề nghị hợp tác ngay trong phần thảo luận khi các đại biểu khác ấn tượng với tốc độ tăng trưởng của thị trường cũng như công ty.
Vì vấn đề công nghệ, đầu tư, sữa organic vẫn chưa mấy phổ biến, chiếm 2% thị phần toàn cầu theo đánh giá của ông Richard Hall, Chủ tịch Hiệp hội sữa thế giới. Ông tin rằng xu hướng này sẽ ngày càng phát triển nhưng chậm và nhiều thách thức.
Còn ông Phan Minh Tiên nhận định đây lại là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt. Tính riêng tại châu Âu và Mỹ, dòng sản phẩm này đang chiếm 15 đến 20% thị phần và ông dự đoán Việt Nam, châu Á sẽ dần đi theo xu hướng của các thị trường đã phát triển. Không chỉ phục vụ trong nước, sữa organic cũng được đặt trong mục tiêu hướng ra toàn cầu của hãng. Năm 2018, 80% doanh thu của Vinamilk đến từ thị trường trong nước, phần còn lại nhờ xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoài Vinamilk, Hội nghị còn thu hút những tên tuổi hàng đầu trong ngành với 67 công ty đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tiêu biểu như hãng sữa lớn nhất Trung Quốc Yili và Amul từ Ấn Độ nói về hành trình xây dựng những thương hiệu tỷ đô, thương hiệu "megabrand".
Nhà sản xuất sữa kefir hàng đầu Mỹ Lifeway Foods nói về chủ đề sống khoẻ, hạnh phúc. Ngoài ra, chủ đề phát triển bền vững, hạn chế rác thải cũng được nhiều người đề cập như Phó chủ tịch Tetra Pak hay COO của nhà sản xuất bao bì Logoplaste.
Chủ đề của Hội nghị năm nay "Dairy Vitality" (tạm dịch: Sức sống của ngàng sữa), nhấn mạnh cơ hội và thách thức của ngành với xu hướng đổi mới về phát triển bền vững.
Theo VNE