Ngành Thuốc lá đang vượt qua khó khăn
Năm 2016, ngành Thuốc lá Việt Nam nói chung và Vinataba nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động SXKD như: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và mức đóng góp vào Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá; Tình hình buôn lậu thuốc lá trong 10 tháng đầu năm có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp trở lại… Điều này đã khiến các doanh nghiệp trong toàn ngành gặp nhiều khó khăn trong hoạt động SXKD, sản lượng có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm, Tổng công ty đã tổ chức triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2016 đến từng đơn vị thành viên, trong đó chú trọng chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong hoạt động SXKD. Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp hợp lý và sự chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nên hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc lá của Tổng công ty đã dần phát huy được hiệu quả, góp phần hạn chế cạnh tranh nội bộ. 10 tháng đầu năm 2016, Vinataba đều đạt tiến độ kế hoạch và có sự tăng trưởng so cùng kỳ năm trước, trong đó tổng doanh thu đạt 85% KH và tăng 6,6% so cùng kỳ; Nộp ngân sách đạt xấp xỉ 88% KH và tăng xấp xỉ 17%; Kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 93% kế hoạch, tăng 8,7% cùng kỳ. Thị phần thuốc lá điếu của Tổng công ty hiện chiếm khoảng 60% thị phần nội địa.
Để công tác chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả
Nhiều năm trở lại đây, nạn buôn lậu thuốc lá đang diễn ra phổ biến tại một số tỉnh như Long An, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp… và có chiều hướng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Đáng chú ý trong thời gian gần đây, một cán bộ Quản lý thị trường đã bị các đối tượng buôn lậu tấn công dẫn tới tử vong trong khi làm nhiệm vụ, cho thấy mức độ táo tợn của những tội phạm buôn lậu thuốc lá. Không khó để bắt gặp các hành vi vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu công khai, ngang nhiên trên thị trường, khiến cho mục tiêu chống buôn lậu luôn là vấn đề nan giải.
Năm 2015, năm đầu tiên thực hiện tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, lực lượng chức năng của 32 tỉnh, thành phố đã bắt giữ được 15.064 vụ, tịch thu 10.754.247 bao tiêu hủy, 10.147.156 bao. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã huy động trên 33 tỷ đồng theo Thông tư 19/2015/TT-BTC và đã chuyển cho các lực lượng trực tiếp bắt giữ và Ban chỉ đạo 389 địa phương. Việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu bị tịch thu đã phát huy tác dụng, làm giảm thuốc lá nhập lậu 30% so với năm 2014. Nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Chống buôn lậu – giải pháp trong những tháng cuối năm”, ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch HĐTV Vinataba cho biết: Buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, phức tạp và có tốc độ tăng rất nhanh do đây là mặt hàng siêu lợi nhuận, gọn nhẹ, dễ vận chuyển và có mức độ chênh lệch giá cao nhất (4,5 lần). Mỗi năm buôn lậu thuốc lá khoảng 1 tỷ bao, làm thất thu ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng, hơn 1 triệu nông dân trồng cây thuốc lá và công nhân trong ngành sản xuất thuốc lá mất việc làm.
Buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra hàng ngày
Thuốc lá nhập lậu không được kiểm tra về chất lượng sản phẩm, có hàm lượng nicotine cao hơn nhiều so với mức cho phép. Thêm vào đó, còn có một số độc tố khác, cấm sử dụng trong thực phẩm. Những năm qua, Hiệp hội Thuốc lá luôn đồng hành cùng BCĐ 389 quốc gia, các lực lượng chức năng, đặc biệt trong phối hợp thông tin, hỗ trợ kinh phí, nâng mức hỗ trợ bắt giữ, tiêu hủy 1 bao thuốc lậu từ 1.100 đồng lên 3.500 đồng và sắp tới đây, Vinataba sẽ đề xuất Bộ Tài chính tăng mức hỗ trợ là 4.500 đồng từ 1/1/2017. Nếu như năm 2015, tổng kinh phí mà Vinataba hỗ trợ cho các lực lượng chức năng bắt giữ tiêu hủy thuốc lá lậu là 34 tỷ đồng, thì 10 tháng đầu năm 2016, con số này giảm xuống còn 16 tỷ đồng, tuy nhiên hiệu quả đem lại là rất lớn.
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và Vinataba mới đây, Tổng công ty đã đưa ra 8 kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương, trong đó nhấn mạnh: Đề nghị Ban chỉ đạo 389 TW tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các Bộ ngành liên quan tăng cường công tác đấu tranh chống hoạt động buôn bán thuốc lá nhập lậu; bổ sung mục đích sử dụng Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, góp phần hạn chế tác hại của thuốc lá nhập lậu, đồng thời kiến nghị không thực hiện việc tái xuất thuốc lá nhập lậu, thuốc lá bất hợp pháp, nhằm tuân thủ Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới…
Cũng tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các kiến nghị của ngành trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng thuộc Bộ tiếp tục theo dõi, kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội sớm sửa đổi, ban hành Luật Phòng chống tác hại thuốc lá theo hướng chuyển Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá về Bộ Tài chính quản lý; đề nghị Vinataba đẩy mạnh phát triển vùng trồng nguyên liệu thuốc lá theo hướng tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giảm nhập khẩu. Bộ Công Thương sẽ tăng cường công tác kiểm tra giám sát, hậu kiểm đối với việc đầu tư vùng trồng, chế biến nguyên liệu thuốc lá.
Việc đưa ra nhiều chính sách như nâng mức hỗ trợ công tác phòng, chống thuốc lá lậu đã cho thấy sự quyết tâm cao của Chính phủ trong công cuộc phòng chống thuốc lá nhập lậu. Tin tưởng rằng, cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá sẽ được đẩy lùi nếu có sự chung sức của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức của người tiêu dùng trong cả nước.
Nguyễn Hoa