Thứ Tư, 18/12/2024 11:42:54 GMT+7
Lượt xem: 543

Tin đăng lúc 11-12-2024

Vĩnh Phúc: Đảm bảo ATTP tại các chợ truyền thống

Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ được các cấp ngành tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, tỉnh Vĩnh Phúc còn xây dựng và từng bước nhân rộng mô hình chợ bảo đảm ATTP. Mô hình này đã góp phần thay đổi nhận thức của các tiểu thương trong việc chấp hành các quy định về ATTP, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Vĩnh Phúc: Đảm bảo ATTP tại các chợ truyền thống
Mô hình chợ đảm bảo ATTP đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 01 chợ đầu mối, 81 chợ truyền thống. Toàn tỉnh đã có 65 chợ nông thôn được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước từ giai đoạn 2011 - 2016 và 01 chợ đầu mối được đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp. Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ còn nhiều khó khăn, bất cập. Bởi ngoài khó khăn về cơ sở vật chất như: Hệ thống thoát nước, nền chợ ẩm thấp; hệ thống xử lý nước thải và chất thải không đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường; nguồn nước phục vụ tại chợ không đủ, chưa bảo đảm vệ sinh..., ý thức chấp hành các quy định về ATTP của hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế.

 

 

Chợ Vĩnh Yên phân khu vực bán hàng theo các loại hàng hóa khác nhau

 

Trước nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng mô hình Chợ bảo đảm ATTP. Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng được 04 mô hình: Chợ Vĩnh Yên, chợ Bồ Sao, chợ TT thị trấn Vĩnh Tường, chợ TT thị trấn Yên Lạc. Tham gia mô hình, các hộ kinh doanh trong chợ không chỉ được hỗ trợ các dụng cụ đặc thù như: Biển hiệu phân khu nhóm hàng kinh doanh, thùng đựng rác, mà còn được tập huấn, nâng cao kiến thức về tiêu chuẩn của thực phẩm, cũng như cách bảo quản thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ…

 

Trưởng ban quản lý chợ Vĩnh Yên thông tin: Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ngành, UBND thành phố Vĩnh Yên, nhất là khi triển khai mô hình chợ bảo đảm ATTP, Chợ Vĩnh Yên hoạt động thuận lợi. Hiện nay, chợ có hơn 200 hộ kinh doanh. Để bảo đảm ATTP, Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền tới các hộ kinh doanh các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, giữ vệ sinh môi trường. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tập huấn kiến thức ATTP, kiểm tra, giám sát ATTP. Trong năm qua, đơn vị đã thường xuyên phối hợp với Trung tâm kiểm tra chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Qua kiểm tra không có hộ vi phạm vệ sinh ATTP, các sản phẩm kinh doanh đều đảm bảo theo quy định.

 

 

Chị Đặng Thị Thủy, kinh doanh thịt bò tươi tại chợ Vĩnh Yên chia sẻ, tôi đã kinh doanh thịt bò tươi tại chợ Vĩnh Yên được gần 40 năm. Thịt bò được lấy từ cơ sở giết mổ tập trung, được cấp phép. Trong năm, tôi cũng như nhiều hộ kinh doanh trong chợ được Ban quản lý tập huấn kiến thức ATTP. Tại đây đa phần là khách trong thành phố, khách quen nên bán thịt phải tươi ngon, nếu không thì sẽ không có ai mua,…

 

Chị Nguyễn Thị Xuân kinh doanh rau củ tại chợ cho biết thêm, trong chợ, các mặt hàng được phân khu nên thuận lợi cho người mua, người bán. Các hộ đều ký cam kết ATTP. Đối với các loại rau, củ, tôi đều nhập ở các mối quen, rau phải tươi, nhập bán trong ngày.

 

 

Trao đổi với lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc được biết: Việc đầu tư, xây dựng các mô hình chợ ATTP đạt được 02 mục tiêu về hiệu quả kinh tế và xã hội. Theo đó, hiệu quả về kinh tế được thể hiện qua việc bố trí, sắp xếp các ngành hàng kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định ATTP; Từng bước nâng cao chất lượng phục vụ; Thuận lợi cho hoạt động mua bán; huy động được các nguồn lực xã hội vào đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh; thực phẩm trong các chợ bảo đảm thống nhất, khoa học, vệ sinh, ATTP và môi trường; Tạo cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ... Về hiệu quả xã hội, xây dựng thành công mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP là điều kiện thuận lợi để phát triển chợ theo xu hướng văn minh, hiện đại. Mặt khác, các mô hình này còn góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân, giảm tỷ lệ ngộ độc thực phẩm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội theo hướng văn minh. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp quản lý chợ và các thương nhân kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện các quy định ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thay đổi dần thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu có 18 chợ được đầu tư xây dựng mô hình thí điểm bảo đảm ATTP.

 

Minh Ngọc

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang