Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất ô tô, điện tử và chế biến thực phẩm. Sự phát triển này đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.
Không chỉ dừng lại ở sự phát triển về kinh tế đơn thuần, tỉnh Vĩnh Phúc luôn kiên trì với phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", ưu tiên thu hút các dự án đầu tư khoa học công nghệ cao, nhằm phát triển kinh tế “xanh”, bền vững. Với quy trình từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho sức khỏe con người, sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hướng tới nhằm nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Là một trong những doanh nghiệp điển hình tuân thủ phương châm phát triển kinh tế xanh, Công ty Toyota Việt Nam (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) không ngừng chú trọng đến việc bảo vệ môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững. Cụ thể, công ty đã thành lập Ủy ban Môi trường, chia thành các tiểu ban chuyên môn để quản lý hiệu quả các hoạt động; triển khai chu trình xanh khép kín trên toàn hệ thống, từ khâu sản xuất đến phân phối, nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước và không khí, đồng thời giảm lượng khí CO2 thải ra.
Nhờ những nỗ lực này, trung bình mỗi năm, công ty đã giảm được gần 6.300 tấn khí CO2, 23 tấn chất thải và 25.500 m3 nước thải. Bên cạnh đó, công ty không ngừng nghiên cứu, đầu tư và ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường; tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho toàn thể cán bộ công nhân viên; đồng thời duy trì và cải tiến hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001.
Hay như Công ty TNHH Haesung vina (Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc) luôn hướng tới sản xuất xanh từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, hạn chế ô nhiễm và chất thải trong các quy trình sản xuất. Công ty đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ của công nghệ số, cải tiến các hoạt động sản xuất; xây dựng hệ thống nhà xưởng, hệ thống xử lý nước thải, kho bãi đáp ứng các tiêu chuẩn phòng sạch, kho bãi lưu trữ chất thải đạt chuẩn. Đầu tư xây dựng bể chứa, lắp đặt hệ thống bơm để tái sử dụng lại nước thải của hệ thống lọc RO vào các hoạt động khác như tưới cây, sử dụng cho các khu vực nhà vệ sinh.
Đồng thời, tăng cường tìm kiếm các nguồn nguyên liệu đầu vào thân thiện với môi trường, thay thế bóng đèn huỳnh quang bằng các bóng đèn led; lắp đặt biến tần cho hệ thống máy nén khí; lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên diện tích mái nhà xưởng để phục vụ sản xuất… Qua đó, góp phần tiết kiệm được khoảng 500.000 kw điện/năm, giảm thiểu chi phí vận hành và lượng phát thải khí nhà kính.
Có thể thấy, sản xuất sạch hơn không chỉ là công cụ để doanh nghiệp thoát khỏi ô nhiễm môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích như: Giảm chi phí về môi trường, giảm rác thải, tăng thu nhập cho doanh nghiệp từ việc tái sử dụng rác thải. Hiện tại, trong các khu công nghiệp Vĩnh Phúc không chỉ có 2 doanh nghiệp trên chủ động đổi mới công nghệ hướng đến sản xuất sạch hơn, mà còn rất nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng các quy trình công nghệ sản xuất sạch hơn vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích kinh tế cao cho doanh nghiệp.
Định hướng phát triển doanh nghiệp xanh
Bên cạnh những lợi ích đã đạt được, trên thực tế, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, như thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải; một số lượng lớn các dự án sản xuất nhỏ lẻ được triển khai bên ngoài các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tập trung vào các ngành nghề sản xuất nguyên liệu thô như thép, sắt, vật liệu xây dựng...
Ngoài ra, việc thiếu các chương trình đào tạo chuyên sâu và đầu tư hạn chế vào giáo dục, nâng cao kỹ năng cho người lao động đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, làm giảm sức cạnh tranh của tỉnh đối với các nhà đầu tư có công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Do đó, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao, vẫn còn e ngại khi đầu tư vào tỉnh, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và tăng trưởng dài hạn của địa phương.
Vì vậy, để phát triển kinh tế xanh đòi hỏi sự đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực, sự chung tay của tất cả các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là tư duy và hành động đột phá. Tỉnh cũng cần tăng cường công tác giáo dục và nâng cao nhận thức về lợi ích của mô hình doanh nghiệp xanh; tăng cường các chương trình đào tạo, hội thảo và chiến dịch truyền thông để giúp doanh nghiệp và cộng đồng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của phát triển bền vững.
Ngoài ra, việc khuyến khích đổi mới sáng tạo cũng là rất quan trọng. Tỉnh cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tìm ra các giải pháp sản xuất và kinh doanh thân thiện với môi trường. Một hệ sinh thái hỗ trợ cho các doanh nghiệp xanh cũng cần được hình thành, kết nối doanh nghiệp với các tổ chức phi chính phủ, cơ quan nhà nước và các đối tác quốc tế.
Xây dựng doanh nghiệp xanh tại Vĩnh Phúc không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là cơ hội để tỉnh phát triển bền vững. Tỉnh Vĩnh Phúc cần nỗ lực hơn nữa để tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp xanh phát triển, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Đầu tháng 3/2024, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các phương án bảo vệ môi trường, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, bắt kịp xu hướng Net Zero trên thế giới. |
Theo scp.gov.vn