Sự suy giảm tiêu dùng tại một số thị trường nhập khẩu lớn như Nhật Bản, EU, Mỹ khiến tăng trưởng XK của ngành Dệt may năm 2016 dự báo chỉ đạt 1 con số, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA) có hiệu lực được kỳ vọng giúp tăng kim ngạch hàng dệt may sang Nga lên khoảng hơn 1 tỷ USD, tương đương 10% dung lượng thị trường. Đây là một tín hiệu tích cực đối với dệt may thời gian tới, được dự báo sẽ khó khăn đến ít nhất quý III/2017.
Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho biết: Thị trường Nga mang những đặc thù rất khác biệt nhưng lại là thị trường truyền thống. Vì vậy, Vinatex cũng như các DN khác đang chờ đợi VN-EAEU FTA đi vào triển khai cụ thể để có những kế hoạch khả thi.
Cũng theo ông Hoàng Vệ Dũng, thị trường Nga mặc dù hấp dẫn nhưng để thâm nhập cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng cả về quan hệ và giao dịch thương mại. Đặc biệt, việc tìm kiếm các nhà nhập khẩu lớn. Bên cạnh đó, VN-EAEU FTA có quy định về ngưỡng cản. Tức là, khi hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Nga quá lượng cho phép, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, áp thuế chống bán phá giá. Hiệp định này tuy chỉ đòi hỏi quy tắc xuất xứ một công đoạn (cắt và may) nhưng hàng dệt may lại phụ thuộc vào thói quen của người tiêu dùng. Vì vậy, không phải có thuận lợi về thuế, giá là chiếm lĩnh được ngay thị trường.
Tuy nhiên, những rào cản kỹ thuật này không đáng lo bởi các bộ, ngành cũng như cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Nga và các quốc gia trong EAEU sẽ giúp cảnh báo sớm khi XK có dấu hiệu vượt ngưỡng.
Trước mắt DN cần tận dụng thế mạnh, tập trung sản xuất những mặt hàng truyền thống được người tiêu dùng Nga ưa thích như: Áo khoác, sơ mi, quần hoặc những sản phẩm làm tay để tránh rủi ro. |
Nguồn Báo Công Thương