Thứ Ba, 26/11/2024 01:53:49 GMT+7
Lượt xem: 1137

Tin đăng lúc 30-08-2020

VNPT tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia

Ngày 19-8 vừa qua, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia (HTTTBCQG) đã khai trương, chính thức đi vào hoạt động. Đây là kết quả của sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Chính phủ và các đơn vị, đặc biệt là Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT).
VNPT tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ nhấn nút khai trương Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chuẩn hóa quy trình báo cáo một cách toàn diện

 

Với kinh nghiệm triển khai các dự án viễn thông – công nghệ thông tin mang tầm quốc gia như Trục Liên thông văn bản quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin họp và xử lý công vụ E-cabinet, hệ thống tiếp nhận và trả lời phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp… Tập đoàn VNPT tiếp tục được Văn phòng Chính phủ tin tưởng lựa chọn làm đối tác xây dựng HTTTBCQG.

 

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, nhà cung cấp dịch vụ CNTT triển khai xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với các hệ thống của bộ, cơ quan, địa phương hình thành HTTTBCQG. Theo đó, các cơ quan hành chính Nhà nước được quyền khai thác cơ sở dữ liệu về thông tin báo cáo trên HTTTBCQG theo phân cấp quản lý. Các bộ, cơ quan, địa phương tham gia thu thập, xử lý, cập nhật thông tin báo cáo được truy cập và khai thác cơ sở dữ liệu theo phân quyền. Văn phòng Chính phủ sử dụng hệ thống để kết nối, trích xuất thông tin từ các hệ thống của bộ, cơ quan, địa phương cho việc thực hiện công tác tổng hợp, phân tích dữ liệu và dự báo tình hình phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

HTTTBCQG có các nhóm chức năng chính như: Chuẩn hóa quy trình báo cáo; Giám sát các chế độ báo cáo, dự báo, mô phỏng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Thông tin được thể hiện trực quan, hỗ trợ công tác quản lý; Tổng hợp, phân tích số liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin, báo cáo các cơ quan nhà nước.

 

Đến nay, hệ thống thông tin báo cáo của 30 bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn đã kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu với HTTTBCQG; đồng thời, đã có 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được các bộ, cơ quan kết nối, cung cấp dữ liệu trên hệ thống. Bước đầu xây dựng 7 chuyên mục thông tin; 25 kết nối trực tuyến theo thời gian thực với nhiều thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, trong năm 2020, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ sẽ kết nối tới 100% hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, địa phương. Mọi hệ thống thông tin chuyên ngành có khả năng trích xuất số liệu báo cáo để hình thành HTTTBCQG. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, HTTTBCQG ra đời mang ý nghĩa vô cùng quan trọng về chính trị và kinh tế, phục vụ chỉ đạo điều hành một cách toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

 

Chính xác, an toàn và kịp thời với mọi chỉ đạo, điều hành của Chính phủ

 

Cùng với HTTTBCQG, việc thiết lập Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành (TTCĐĐH) của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế được xác định là cốt lõi của hạ tầng số thông minh. Trung tâm TTCĐĐH được kết nối với các trung tâm điều hành hệ thống thông tin báo cáo, các cơ sở dữ liệu quốc gia, các trung tâm thông tin, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của bộ, ngành, địa phương. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra hoạt động theo từng lĩnh vực mà các Bộ ngành, địa phương quản lý. Đồng thời, thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến giúp lãnh đạo Chính phủ thực hiện công tác chỉ đạo điều hành trực tiếp đến các bộ, ngành, địa phương và trên thực địa. Sau gần 1 năm khẩn trương xây dựng với sự phối hợp của Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cùng với sự tư vấn của các chuyên gia trong nước và quốc tế, HTTTBCQG, Trung tâm TTCĐĐH của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ứng dụng công nghệ hiện đại, được thiết kế với khả năng chịu tải cao, sẵn sàng mở rộng quy mô cũng như điều chỉnh tính năng một cách linh hoạt, đảm bảo an toàn thông tin được đưa vào khai thác phục vụ điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Trung tâm điều hành, xử lý của Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia. 

 

Lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho biết, khi bắt tay vào xây dựng, phát triển HTTTBCQG, Trung tâm TTCĐĐH của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VNPT đã tham khảo mô hình ứng dụng của nhiều nước phát triển trên thế giới, đi đến thống nhất về phương án tích hợp trên nền tảng micro-service (kiến trúc nhiều dịch vụ nhỏ). Nền tảng thiết kế này sẽ cho khả năng mở rộng cao cả chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt là với các bài toán về quy trình nghiệp vụ. VNPT cũng đang sử dụng công nghệ có độ bảo mật cao nhất bằng các máy chủ bảo mật và bảo mật ngay cả trên đường truyền kết nối.

 

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT chia sẻ, những kinh nghiệm thực tiễn nhất trên thế giới, những công nghệ mới nhất đã được đội ngũ kỹ sư của VNPT phát triển để đưa vào các ứng dụng CNTT cho Chính phủ và các bộ ngành, địa phương. VNPT cũng cam kết những ứng dụng này sẽ mang lại chất lượng tốt nhất, hiệu quả và an toàn. Tham gia xây dựng HTTTBCQG, một lần nữa VNPT đã thể hiện được năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh của mình trước mỗi một nhiệm vụ quan trọng mang tầm quốc gia. Song song với việc vận hành hệ thống, VNPT luôn không ngừng cải tiến để đảm bảo người dân và doanh nghiệp sử dụng hệ thống một cách dễ dàng nhất. Hiện nay, tại nhiều bộ, địa phương như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Bình Phước… đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) dưới sự trợ giúp của Tập đoàn VNPT. Trung tâm IOC vừa hỗ trợ lãnh đạo bộ, địa phương trong công tác giám sát điều hành thông qua các bộ chỉ số vừa kết nối với Trung tâm thông tin điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là một bước đi quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số hoạt động của cơ quan nhà nước và đời sống xã hội.

 

Tại lễ khai trương HTTTBCQG, Trung tâm TTCĐĐH của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng công bố dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo tính toán của các chuyên gia, HTTTBCQG đi vào vận hành tiết kiệm cho Chính phủ khoảng 460 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó, 1.000 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng góp phần tiết kiệm khoảng 6.722 tỷ đồng/năm. Với những kết quả này, một lần nữa vai trò của VNPT trong xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam được khẳng định, với vị thế tiên phong, dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia. VNPT cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Chính phủ trong xây dựng Chính phủ điện tử và luôn cải thiện các giải pháp, ứng dụng các công nghệ mới đem đến những giải pháp tốt nhất, hoàn thiện nhất, góp phần thực hiện thành công Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

 

Theo SGGP


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang