Thứ Sáu, 22/11/2024 00:53:52 GMT+7
Lượt xem: 6159

Tin đăng lúc 14-12-2014

Vụ lừa tiền tỷ từ 300 con gà chết, sao tỉnh Hải Dương chưa xử lý?

Xử lý sự cố đầu cáp, rồi đóng điện trở lại, nhưng do sơ xuất, công nhân Điện lực Chí Linh (thuộc Công ty Điện lực Hải Dương) đã đấu sai thứ tự pha điện nên đường dây 35 kV cấp cho huyện Nam Sách bị đảo pha, khiến cho hệ thống quạt thông gió sử dụng động cơ 3 pha bị quay ngược chiều làm chết hàng loạt gà của gia đình ông Mạc Văn Quang và ông Mạc Văn Duẩn – thuộc thôn Cao Đôi, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương vào đêm ngày 01/7/2014 đã gây xôn xao dự luận.
Vụ lừa tiền tỷ từ 300 con gà chết, sao tỉnh Hải Dương chưa xử lý?

Ảnh minh họa

 

Sáng ngày 2/7, tức là sau khi vụ việc xảy ra, các biên bản tổng hợp số lượng gà chết nhanh chóng được lập, số tiền đền bù cũng được các bên liên quan (bao gồm các gia đình có gà chết, đại diện lãnh đạo Điện lực Nam Sách và Công ty Điện lực Hải Dương, cùng chính quyền địa phương từ xã đến huyện) xác nhận, thống nhất. Theo đó, số gà chết ngạt do sự cố đấu nhầm pha điện mà gia đình ông Quang và ông Duẩn kê khai lên tới 5.400 con, trong đó gia đình ông Quang nuôi 40.000 con, bị chết 4.000 con; gia đình ông Duẩn nuôi 20.000 con, chết 1.400 con và còn khoảng gần 4.000 con gà ốm yếu sau vụ này. Với số lượng 5.400 con chết tính theo giá 180.000đ/con thì Công ty Điện lực Hải Dương phải bồi thường 972.000.000đ. Riêng số gà ốm yếu sẽ do Công ty Điện Hợp Tiến chịu trách nhiệm đóng góp, hỗ trợ số tiền là 360.000.000đ. Sau khi thống nhất, ngày 14/8/2014, Công ty Điện lực Hải Dương đã bàn giao số tiền 972.000.000đ cho hai hộ gia đình ông Quang, ông Duẩn. Tuy nhiên, điều cần bàn đến ở đây là khi vụ việc chưa kịp lắng xuống thì cuối tháng 8/2014, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã nhận được đơn tố cáo của chính những người trong cuộc về việc, hai gia đình ông Quang, ông Duẩn đã khai vống số gà chết để lừa Công ty Điện lực Hải Dương lấy số tiền gần 1 tỷ đồng.

 

Sở dĩ câu chuyện om xòm bị vỡ lở là do “ăn chia không đều” từ nội bộ chính những người được đền bù, trong đó có cả đối tượng “ăn theo”. Chúng tôi được biết, đường dây 35 kV từ Chí Linh được cấp điện qua Công ty TNHH Điện Hợp Tiến để kinh doanh bán điện cho gia đình ông Quang, ông Duẩn. Do vậy, khi xảy ra sự việc, xét về khía cạnh pháp lý, ngoài Điện lực Chí Linh phải đền bù thì Công ty Điện Hợp Tiến, huyện Nam Sách cũng là bên liên đới chịu trách nhiệm. Thế nhưng, khi xảy ra sự cố, gà chết hàng loạt, chính Công ty TNHH Điện Hợp Tiến đã “tiếp tay” cho hai gia đình ông Quang và ông Duẩn khai vống số gà chết, đồng thời thống nhất “kịch bản” là sẽ hỗ trợ hai gia đình ông Quang, ông Duẩn số tiền 360.000.000đ cho số gà ốm yếu, thậm chí còn công khai đưa “gói tiền” trước mặt chính quyền địa phương để che mắt dư luận, nhưng trên thực tế, không mất đồng nào, tạo thuận lợi để gia đình ông Quang, ông Duẩn hưởng trọn số tiền 972.000.000đ từ Công ty Điện lực Hải Dương đền bù. Do các bên ăn chia không đều nên nội bộ hai gia đình nảy sinh mâu thuẫn và khi báo chí chì trích ngành Điện “thờ ơ, vô cảm” với thiệt hại của người dân, thì một lãnh đạo Công ty Điện Hợp Tiến đã làm đơn, lên tiếng tố cáo việc khai khống với cơ quan chức năng của tỉnh.

 

 

     

Gà chết hàng loạt

 

 Trên cơ sở văn bản số 6666/CV PCHD-TTBV&PC của Giám đốc Công ty Điện lực Hải Dương gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương và văn bản số 7159/PCHD-TTBV&PC gửi Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hải Dương đề nghị vào cuộc điều tra làm rõ vụ lừa đảo, khai khống số lượng gà chết để lấy một số tiền lớn của ngành Điện. Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trậ tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Hải Dương đã vào cuộc để điều tra làm rõ và sau khi có đủ cơ sở pháp lý, trước sự chứng kiến của đại diện UBND xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách và các đơn vị liên quan, cơ quan điều tra tỉnh Hải Dương đã tiến hành “khai quật” số lượng 5.400 con gà chết như đã khai, đã chôn để kiểm đếm, thì kết quả hết sức bất ngờ: Chỉ có… 321 con gà chết.

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, tại sao trong biên bản tiêu hủy có chữ ký của đại diện địa phương, xác nhận số lượng 5.400 con gà, mà thực tế chỉ có 320 con chết, thì các ông Phạm Đình Thế - Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến và ông Hồ Ngọc Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách đều trả lời là khi nghe tin vụ việc xảy ra, các ông có đến, có thấy số gà chết nhiều, nhưng tin vào lời của các hộ gia đình kê khai mà không kịp kiểm đếm, rồi thống nhất cho phép tiêu hủy số gà chết. Theo ông Nguyễn Văn Quynh – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương thì trường hợp gà chết do ngạt hơi kể trên sẽ không bị tiêu hủy, trừ khi để lâu, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường mới phải tiêu hủy.

 

Được biết, sau khi vụ việc xảy ra, về phần mình, Công ty Điện lực Hải Dương đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương giải quyết vụ việc và xử lý trách nhiệm đối với những người thực hiện và  đương nhiên, các tập thể, cá nhân làm sai phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Trong đó, anh Phương Quốc Liêm và anh Vũ Quốc Trung - công nhân tổ điện của Điện lực Chí Linh đã phải thế chấp sổ đỏ của bố mẹ, 2 sổ lương của hai vợ chồng để vay một số tiền lớn để bồi thường cho hai hộ gia đình nói trên và chưa biết đến bao giờ mới trả hết nợ. Đời sống của họ giờ trở nên khốn khó bởi những hành vi cấu kết, lợi dụng “đục nước béo cò” của một số người; sự dễ dãi, cẩu thả từ lãnh đạo các địa phương, nhằm lừa đảo số tiền lớn từ mồ hôi, nước mắt của những người công nhân ngành Điện.

 

Dư luận đang rất cần các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương sớm làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật những hành vi cấu kết lừa đảo của một số tổ chức, cá nhân, sự thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách để tạo sự công bằng và ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai.

Nguyễn Đừng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang