Thứ Tư, 04/12/2024 14:56:12 GMT+7
Lượt xem: 3615

Tin đăng lúc 25-04-2021

"Vua thép" Trần Đình Long: Từ buôn đồ cũ đến tỉ phú USD

Sự nghiệp của “ông vua thép” Trần Đình Long là một câu chuyện truyền cảm hứng khi lấy khó khăn làm cơ hội để trở nên khác biệt.
"Vua thép" Trần Đình Long: Từ buôn đồ cũ đến tỉ phú USD

Người được mệnh danh là “vua ngành thép” hiện đang đảm nhận ghế Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Được đánh giá là một doanh nhân khá kín tiếng và rất ít khi xuất hiện trên các tờ báo chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp thành công, nhưng ông Trần Đình Long lại là một trong những tấm gương khởi nghiệp thành công nhất ở Việt Nam.

 

Số 1 Việt Nam về thép

 

Ông Trần Đình Long vừa có sự bứt phá trong danh sách tỷ phú USD của thế giới, khi mới đây ông đã được Forbes đưa vào danh sách tỷ phú thế giới 2021.Forbes ước tính, ông Long đang sở hữu 2,2 tỷ USD, xếp hạng 1.444 trên toàn cầu.

 

Giá trị tài sản của ông Trần Đình Long tăng mạnh chủ yếu do cổ phiếu Hòa Phát liên tục thiết lập mức giá kỷ lục sau 14 năm niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiện ông Long trực tiếp sở hữu 864 triệu cổ phiếu HPG . Bên cạnh đó, vợ và con trai của tỷ phú này còn nắm giữ hơn 243 triệu cổ phiếu Hòa Phát. Tính cả cổ phần của một số thành viên khác, gia đình ông Trần Đình Long sở hữu tổng cộng gần tỷ cổ phiếu HPG, tương ứng gần 35% cổ phần Hòa Phát.

 

Vua thép Hòa Phát ghi nhận doanh thu 2020 tăng 41% lên trên 91 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 13,5 nghìn tỷ, tăng 78% so với năm trước. HPG đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 18 nghìn tỷ đồng trong 2021.

 

Cú bứt phá về doanh thu và lợi nhuận của HPG đến từ dự án liên hợp Dung Quất tổng đầu tư 2,6 tỷ USD (bắt đầu 2017). Chính nhờ việc dự án Dung Quất đi vào hoạt động tạo cơ hội cho Hòa Phát đẩy mạnh sản lượng, chiếm thêm thị phần trong năm 2020 bất chấp diễn biến bất lợi của dịch bệnh Covid-19.

 

Theo SSI Reseach , sản lượng thép xây dựng Hòa Phát năm 2021 có thể đạt 4,1 triệu tấn, tăng 20% nhờ nhu cầu trong nước phục hồi sau dịch và doanh nghiệp gia tăng được thị phần. Sản lượng tiêu thụ HRC gấp 4 lần lên 2,8 triệu tấn nhờ giai đoạn 2 của Dung Quất 1 đi vào hoạt động cả năm.

 

Hành trình “hòa hợp và phát triển”

 

Có thể nói, sự nghiệp của doanh nhân Trần Đình Long gắn chặt với Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, mà tiền thân là công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng. Để có được sự nghiệp ngày hôm nay, ông Long cùng những cộng sự của mình đã phải bôn ba, trải qua những giai đoạn khó khăn, vất vả.

 

Sau 6 năm tìm hiểu thị trường, ông cùng người bạn thân quyết định thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng vào năm 1992. Lĩnh vực kinh doanh của công ty chủ yếu là buôn bán đồ cũ được nhập từ Nga về. Đây chính là dấu mốc cho sự nghiệp kinh doanh của ông Long.

 

Tuy nhiên, quá trình bắt đầu việc kinh doanh không mấy suôn sẻ khi ông và bạn của mình đều thiếu vốn. Từ việc đăng ký kinh doanh, chứng minh tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1993, ông quyết định cùng cộng sự của mình thực hiện chuyến xuất ngoại đầu tiên để tìm hiểu thị trường và nhập khẩu thiết bị.

 

Thời điểm đó, công ty tư nhân không được phép giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu với nước ngoài nên hàng nhập về phải đi bằng hộ chiếu đường biên. Năm 1994, cơ duyên để ông Long quyết định gia nhập thị trường nội thất bằng việc lập Công ty nội thất, bắt tay với nhà cung cấp từ Đài Loan cho đến Malaysia, Singapore... là lần đi tìm mua nội thất cho văn phòng công ty trên đường Giải Phóng, khi ông Long nhận ra các doanh nghiệp đều đang nhập khẩu bàn ghế gỗ từ Đài Loan về.

 

Cách đây mấy chục năm mà có được cái ghế văn phòng “xoay tít mù” thì được coi là hàng “quý hiếm”, dù đắt nhưng cũng rất khó mua. Nhìn thấy như vậy, ông Long thiết nghĩ, sao người ta làm được mà mình lại không thể và coi đây như một cơ hội kinh doanh rất tốt. Thấy được tiềm năng lớn từ thị trường, ông Long quyết định thành lập Công ty Nội thất. Bước đầu cũng chỉ là đi buôn, chọn lọc ra 30 đối tác, nhà cung cấp.

 

Năm 1996, công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng phải mua ống thép về làm giàn giáo, nhưng việc mua hết sức khó khăn do phải xin phê duyệt rồi phải có tiền “bôi trơn” mới mua được 5 -10 tấn. Nhận thấy việc làm ống thép không khó, ông Long quyết định thành lập công ty Ống thép Hòa Phát, sử dụng công nghệ Đài Loan.

 

Sau 8 năm bán đủ thứ từ máy móc, nội thất tới ống thép, phải đến năm 2000, “thép xây dựng” mới có mặt trong danh mục sản phẩm của Hòa Phát. Năm 2016, Hòa Phát lần đầu tiên vượt qua Tổng công ty Thép Việt Nam để trở thành doanh nghiệp giữ sản lượng và thị phần thép số 1 Việt Nam. Đến năm 2017, công ty của ông Long đạt bước tiến mạnh mẽ khi thiết lập hàng loạt kỷ lục doanh thu và lợi nhuận.

 

Và với việc Hòa Phát khởi động đầu tư thực hiện dự án Khu liên hợp sản suất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu Kinh tế Dung Quất với tổng vốn đầu tư lên tới 3 tỷ USD đã củng cố thêm vị thế “vua thép” Việt Nam của ông Long.

 

“Năm nay, doanh thu của tập đoàn có thể đạt 120.000-140.000 tỷ đồng, nếu hoàn thành Dung Quất giai đoạn 2, con số này có thể tăng lên trên 200.000 tỷ đồng. Khi đó, việc phát triển thêm các sản phẩm sau thép sẽ không dễ. Với quy mô như vậy, sớm muộn Hòa Phát cũng phải hướng tới mô hình đa ngành", ông Long nói và cho biết, một trong những hướng đi là bất động sản, không phải bất động sản khu công nghiệp mà trọng tâm là bất động sản nhà ở.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang