Thứ Năm, 21/11/2024 19:31:45 GMT+7
Lượt xem: 1764

Tin đăng lúc 07-05-2020

Vực dậy sản xuất công nghiệp

Để DN có thể phục hồi và phát triển sau giai đoạn khó khăn, nhiều giải pháp thiết thực đã được đưa ra.
Vực dậy sản xuất công nghiệp
Tập trung hỗ trợ DN phát triển sau dịch Covid-19

Theo Sở Công thương Hà Nội, hoạt động sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm của thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch. Sản xuất công nghiệp tháng 4 giảm so với tháng 3 và cùng kỳ năm trước.

 

Trong tháng 4/2020, số DN thành lập mới trên địa bàn cũng sụt giảm rõ rệt. Tính chung 4 tháng đầu năm, Hà Nội chỉ có 7.468 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 118.000 tỷ đồng; giảm 13,1% về số DN và tăng 46,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh ở Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều DN phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tính giảm 14,7% so với tháng trước và giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó các ngành giảm mạnh gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất, phân phối điện, khí đốt; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải; khai khoáng. Một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn giảm so cùng kỳ do tác động của dịch bệnh, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung của chỉ số toàn ngành công nghiệp, gồm: Sản xuất phương tiện vận tải; đồ uống; máy móc, thiết bị; các ngành dệt, may, da giày.

 

Trên thực tế, tình trạng thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp. Số lượng đơn hàng trong các ngành công nghiệp điện tử, dệt may, da giày giảm mạnh. Điều này ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Theo ý kiến của các DN, với việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất, cùng với việc thị trường trong nước và xuất khẩu gặp nhiều ách tắc buộc DN phải thu hẹp lại sản xuất. Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn hầu hết các DN gặp phải khó khăn về tài chính khi phát sinh nhiều chi phí nên không ít DN tạm dừng sản xuất và thực hiện biện pháp “ngủ đông” để chờ cơ hội hồi phục.

 

Trước tình hình này, để DN có thể phục hồi và phát triển sau giai đoạn khó khăn, nhiều giải pháp thiết thực cũng đã được đưa ra. Hiện tại, Hà Nội đã có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với diện tích là hơn 1.300 ha, đang hỗ trợ khoảng 3.600 DN về mặt bằng sản xuất để tiến hành hoạt động sản xuất tại các cụm công nghiệp. Tổ chức kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 cụm công nghiệp, tổng diện tích là 1.016,72 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tập trung cho các DN trong thời gian tới. Để hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho các DN công nghiệp, thành phố cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, trong đó, tổng số cụm công nghiệp quy hoạch đến năm 2020, có xét đến năm 2030 là 159 cụm với 3.204,31 ha.

 

Theo UBND TP. Hà Nội, trong bối cảnh dịch Covid-19, việc đồng hành cùng DN, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bằng nhiều giải pháp đồng bộ tiếp tục được thành phố triển khai, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung hỗ trợ DN phát triển là mục tiêu hàng đầu của thành phố Hà Nội, thông qua các giải pháp cụ thể. Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các chính sách hỗ trợ DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung đẩy mạnh các ngành công nghiệp có ưu thế, cơ hội phát triển như sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang, hóa chất vệ sinh, khử trùng, thiết bị y tế); chế tạo máy móc thiết bị trong lĩnh vực dịch vụ… Đồng thời, triển khai các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với các DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

Theo Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, hiện nay nguồn nguyên liệu dự trữ của các DN đã cạn, nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Mỹ, EU tương đối khó khăn. Thời gian tới, sở sẽ đẩy mạnh hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ổn định, lâu dài và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa; triển khai có hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế đối với hoạt động thương mại tự do song phương, đa phương; xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang