Ngày vui
Mới hồi tháng 8.2020, khi đánh mấy chữ “Giá gạo Việt cao nhất thế giới” lập tức trên Google hiện lên vô số kết quả, cùng hàng nghìn lượt truy cập, với các tít như: Giá gạo trắng của Việt Nam đang cao nhất thế giới; Giá gạo Việt xuất khẩu cao nhất thế giới; Giá Gạo Việt Nam "vượt mặt" Thái Lan bán giá cao nhất thế giới; Gạo Việt Nam trên thị trường thế giới đang có giá tốt; Nhu cầu thế giới cao, giá lúa gạo Việt Nam tiếp tục “tăng tốc”….
Các bình phẩm trên đều có gốc tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Theo đó, giá gạo trắng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 488–492 USD/tấn với gạo 5% tấm, 463- 467USD/tấn với gạo 25% tấm….
Dựa vào hiện tượng nhất thời đó, đã lạc quan xuất khẩu gạo tăng về lượng và về giá, thúc đẩy xuất khẩu nói chung tăng, góp phần để Việt Nam chấp dịch bệnh, tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất khu vực.
Giá gạo Việt Nam cao nhất nói trên chỉ ở những loại gạo cùng chủng loại với Thái Lan, Ấn Độ, hai nước đó còn có các loại gạo đặc sản, hàm lượng dinh dưỡng cao.
Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan khoảng 10 USD/tấn chỉ là ngắn hạn. Đây không phải là lần đầu tiên giá gạo của Việt Nam cao hơn gạo của Thái Lan, Ấn Độ. Việc giá bán tính theo tuần hay theo tháng cao hơn các quốc gia cạnh tranh chịu tác động bởi yếu tố bên ngoài nhiều hơn là do chất lượng gạo của Việt Nam. Chiêm nghiệm rằng sau khi giá lên cao hơn gạo Thái thì gạo ta thường khó bán hơn trước….
Ngắn chẳng tày gang
Hiện nay, gạo tẻ 5% tấm của Việt Nam đang bán với giá 465-469 USD/tấn, trong khi gạo 5% tấm của Thái Lan đang được xuất khẩu với giá 513 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam với giá chỉ từ 443 – 447 USD/tấn, trong khi giá gạo này của Thái Lan là 494 USD/tấn. Giá gạo đồ của Việt Nam cũng thấp hơn Thái Lan khoảng 35 USD/tấn. Căn nguyên muôn thuở vấn nạn này bởi gạo ta thua gạo Thái cả về chất lượng và thương hiệu.
Thực thi EVFTA, Châu Âu (EU) đã chấp nhận mua gạo Việt. EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan cho gạo Việt Nam là 80.000 tấn/năm, gồm 20.000 tấn gạo đã xát, 30.000 tấn gạo đã xay và 30.000 tấn gạo thơm.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, việc phân bổ hạn ngạch đó không thuộc quyền Việt Nam mà EU sẽ “chia” cho các DN nhập khẩu của họ. Riêng gạo thơm, EU mới cấp cho 23 chủng loại gạo thơm của Việt Nam, với 2 điều kiện, đầu tiên là gạo thơm được sản xuất từ giống lúa thơm có chất lượng hạt giống phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; thông tin về diện tích, địa điểm trồng. Sau đó, lô ruộng lúa thơm được kiểm tra đảm bảo độ thuần giống (% số cây) không nhỏ hơn 95%.
Phải "cởi trói" trước khi quá muộn
Còn nhớ dạo tháng 3-4.2020, giá gạo cao nhưng việc điều hành xuất khẩu không dứt điểm, thiếu nhạy cảm... cùng với sự mập mờ trong đăng ký hạn ngạch dẫn đến tình trạng nhiều lô gạo phải nằm ở cảng vì chưa có hạn ngạch, còn doanh nghiệp “moi” được hạn ngạch lại chạy đôn chạy đáo gom hàng. Cơ hội vàng thì đã trôi qua trong tiếc nuối.
Bây giờ, doanh nghiệp đang ngụp lặn trong tình cảnh thị trường đỏng đảnh. Thân phận hạt gạo từng bầm dập, vẫn long đong, doanh nghiệp đã phải trông trời, trông đất, lại phải ngay ngáy ”trông” cơ chế.
Theo Lao động