Vườn ươm được đầu tư khá đồng bộ về trang thiết bị, các DN tham gia ươm tạo sẽ được nhân viên vườn ươm hướng dẫn tạo mọi điều kiện trong việc khai thác các trang thiết bị để nghiên cứu, với giá ưu đãi.
Để chia sẻ trang thiết bị nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các DN, vườn ươm đã ký Quy chế phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong thành phố. Ngoài ra, vườn ươm có sự hợp tác của 27 chuyên gia đến từ các viện, trường trong và ngoài thành phố để hỗ trợ các DN về công nghệ, kiến thức chuyên ngành. Bên cạnh đó, phòng làm việc được sử dụng miễn phí trong suốt quá trình ươm tạo. Đối với DN có nhu cầu nhập trang thiết bị phục vụ nghiên cứu từ nước ngoài, sẽ hỗ trợ các thủ tục để được miễn thuế nhập khẩu.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, vườn ươm bước đầu đạt những kết quả tích cực, có 5 DN tham gia ươm tạo được hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên đến nay, kết quả chưa thực sự như kỳ vọng do mô hình vườn ươm công nghệ còn mới đối với cộng đồng DN tại TP. Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đội ngũ tham gia vận hành kinh nghiệm chưa cao trong giới thiệu, quảng bá và thu hút DN; lĩnh vực nghiên cứu ươm tạo được vườn ươm hỗ trợ chỉ giới hạn ở các sản phẩm trong ngành chế biến nông sản, chế biến thuỷ sản và cơ khí chế tạo. Mặt khác, DN trong khu vực chưa mạnh dạn đầu tư nghiên cứu sản phẩm mới, do hạn chế về chuyên môn, sợ rủi ro, thiếu thông tin thị trường.
Năm 2018, vườn ươm tập trung hỗ trợ các DN đang ươm tạo hoàn thiện sản phẩm, dự kiến xét tốt nghiệp cho 2 DN; tăng cường công tác quảng bá vườn ươm đến cộng đồng DN, tranh thủ nguồn vốn từ khách hàng này để DN khởi nghiệp; tiếp tục gửi đội ngũ nhân viên đi đào tạo. Vườn ươm tham gia tích cực vào kế hoạch khởi nghiệp theo quyết định 175/KH-UBND của UBND TP. Cần Thơ về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; tham gia vào mạng lưới khởi nghiệp của ĐBSCL do VCCI tại Cần Thơ chủ trì, để tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp, thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, từ đó chọn lọc các ý tưởng phù hợp với quy định của vườn ươm để mời gọi ươm tạo. Dự kiến trong năm 2018 sẽ kêu gọi thêm 5 - 7 DN tham gia ươm tạo.
Tiếp tục thỏa thuận hợp tác với các trường đại học, cao đẳng trong thành phố thông qua việc khai thác trang thiết bị của vườn ươm để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, các đồ án tốt nghiệp, từ đó phát hiện và hỗ trợ những đề tài phù hợp, tiếp tục nghiên cứu ươm tạo sản phẩm mới. Rà soát, đánh giá lại các cơ chế chính sách của vườn ươm hỗ trợ DN nhưng chưa thực hiện được trong thời gian qua. Một số nội dung hỗ trợ từ cơ chế chính sách cho vườn ươm theo Quyết định 1193 của Thủ tướng và Thông tư số 214 của Bộ Tài chính chưa thực hiện được do phải chờ điều chỉnh bổ sung từ Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và công nghệ cho phù hợp với tình hình thực tế như: Chính sách hỗ trợ đất DN sau ươm tạo; chính sách về thu nhập DN.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử