Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, bình quân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết gần 3 tỷ USD mỗi tháng.
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, cho biết dòng vốn FDI có sự thay đổi lớn vài năm trở lại đây. Trước năm 2016, các nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh mới. Nhưng từ năm 2016 trở lại đây, vốn FDI chủ yếu chảy vào các thương vụ mua lại và sáp nhập.
Ông Jacques Morisset cho rằng thời gian tới, Việt Nam nên chú trọng phát triển thị trường trong nước thay vì phụ thuộc vào kinh tế đối ngoại. Việt Nam sẽ phải dựa vào sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Đây là một thách thức hiện tại và trong thời gian tới.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, để mang đến động lực tăng trưởng bổ sung cho nền kinh tế cần ưu tiên phát triển khu vực tư nhân vững mạnh và năng động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động ở thị trường trong nước vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại lớn, hạn chế sự phát triển, trong đó được nói đến nhiều nhất là khả năng tiếp cận tín dụng.
Đặc biệt, dù đánh giá cao triển vọng của kinh tế Việt Nam, các chuyên gia của WB vẫn nhận định, kinh tế Việt Nam chưa hoàn toàn “miễn dịch”với các cú sốc bên ngoài, với minh chứng là tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 21% xuống còn 8% từ năm 2017 - 2019. Tăng trưởng xuất khẩu còn giảm rõ rệt hơn nếu nhìn vào các thị trường xuất khẩu ngoài Mỹ, chỉ tăng được 3,6% trong 11 tháng đầu năm 2019.
Nói cụ thể hơn, ông Jacques Morisset cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 8% trong năm 2019 là rất tốt. Nhưng cần phân biệt giữa xuất khẩu sang thị trường Mỹ và thị trường ngoài Mỹ. Trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng gần 30% thì các thị trường khác chỉ tăng trưởng 3,6%. Việt Nam đang tập trung quá mạnh và nhiều vào thị trường Mỹ, cho thấy sự chuyển hướng thương mại rõ ràng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Ngoài ra, các chuyên gia WB cũng cảnh báo rủi ro về dòng vốn FDI. Theo đó, FDI vào các cơ sở sản xuất kinh doanh mới cũng tăng chậm lại 30% so với 2 năm trước đó, kể cả sau khi đã tính đến sự tăng trưởng trong đầu tư qua kênh mua bán và sáp nhập (M&A).
Do đó, điều cần thiết là Việt Nam phải phát triển để dựa vào kinh tế trong nước nhiều hơn là dựa vào FDI, hơn nữa phải tìm cách tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, để tạo việc làm, giá tăng giá trị cho kinh tế trong nước.
Nguồn Thời báo kinh doanh