Chủ Nhật, 24/11/2024 08:01:23 GMT+7
Lượt xem: 6474

Tin đăng lúc 15-12-2017

Xăng E5 thay thế A92: Hàng loạt băn khoăn trước giờ G

Theo lộ trình, kể từ ngày 1.1.2018, xăng A92 sẽ bị “khai tử” để thay bằng xăng sinh học E5. Như vậy, sau hơn 2 tuần nữa, trên thị trường sẽ chỉ còn 2 loại xăng là xăng E5 và A95, buộc người dùng phải lựa chọn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, người tiêu dùng vẫn còn hàng loạt những băn khoăn về loại xăng E5.
Xăng E5 thay thế A92: Hàng loạt băn khoăn trước giờ G
Xăng E5 sẽ thay thế hoàn toàn xăng A92 kể từ 1.1.2018

Không lùi “hạn chót”

 

Tại buổi làm việc với đại diện các thương nhân đầu mối xăng dầu tuần trước, một số doanh nghiệp nhỏ thể hiện sự băn khoăn về thời điểm triển khai lộ trình này. Một số doanh nghiệp thậm chí đề xuất linh động cho triển khai chuyển đổi xăng khoáng A92 sang xăng sinh học E5 muộn hơn ngày 1.1.2018.

 

Trước đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Chính phủ và Bộ Công Thương rất quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi này, do đó, thời hạn đã đề ra là không đổi. Kể từ Thông báo số 255/TB-VPVP ngày 6.6.2017 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay là 6 tháng, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị lộ trình cho chính mình từ sớm.

 

Theo Thứ trưởng, 1.1.2018 là ngày mà các doanh nghiệp phải triển khai xong và thực hiện chứ không phải là ngày để chuẩn bị. Thứ trưởng cho rằng, những doanh nghiệp như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và TCty Dầu Việt Nam (Pvoil) hoàn toàn có thể chuyển sang kinh doanh xăng E5 ngay từ giữa hoặc cuối tháng 12 để đến ngày 1.1.2018, sự chuyển đổi được thực hiện chu đáo, tránh “vỡ trận”.

 

Lo thiếu nguồn cung xăng sinh học

 

Song song với việc triển khai bán đại trà xăng sinh học E5, việc “khai tử” xăng A92, một loại xăng khoáng được sử dụng nhiều nhất hiện nay, khiến nhiều doanh nghiệp, chuyên gia bày tỏ lo lắng sẽ không đủ nguồn cung cho thị trường.

 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, cho đến thời điểm này, bài toán về nguồn cung E100 cũng như việc phối trộn xăng E5 đã được giải. Cụ thể, nếu khôi phục Nhà máy Ethanol Dung Quất vào quý I/2018, tổng cung E100 sẽ khoảng 400.000m3/năm. Về các trạm trộn, theo báo cáo của Petrolimex và PVoil, có thể đáp ứng đủ nhu cầu xăng E5 cho thị trường (khoảng hơn 6 triệu mét khối/năm).

 

Để triển khai thành công theo đúng lộ trình từ ngày 1.1.2018, Thứ trưởng yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông. Đặc biệt, đối với Petrolimex và PVoil - hai đơn vị lớn (chiếm 65%) dẫn dắt thị trường, ngoài việc chuẩn bị chu đáo cho toàn hệ thống, Thứ trưởng yêu cầu cần có trách nhiệm cung ứng xăng E5 nếu các doanh nghiệp khác có nhu cầu.

 

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Kiên Chỉnh - Tổng giám đốc Cty TNHH Tùng Lâm kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam - cho biết, đến giữa tháng 1.2018, với 3 nhà máy (ethanol Đồng Nai, Quảng Nam, Bình Phước) hoạt động sẽ sản xuất khoảng 20.000-25.000m3/tháng thì vẫn đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Khi Nhà máy Ethanol Dung Quất hoạt động lại có thể cung cấp thêm 6.000-7.000m3/tháng, có thể hoàn toàn yên tâm về lượng E100.

 

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Nguyễn Quang Dũng, từ nửa cuối tháng 12.2017 trở đi, Petrolimex đủ năng lực phối trộn nguồn E5 cho hệ thống phân phối trực thuộc. PVoil cũng khẳng định đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc chuyển sang kinh doanh xăng E5 và hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ xăng E5 của PVoil.

 

 

Mua xăng sinh học E5 tại cửa hàng xăng dầu trên quận Đống Đa (Hà Nội). 

 

Lo đổ xô sang dùng A95

 

Không chỉ lo thiếu xăng sinh học cung cấp cho thị trường, nhiều ý kiến còn lo ngại, với thói quen sử dụng xăng khoáng từ nhiều năm nay, người tiêu dùng sẽ đổ xô sang sử dụng xăng A95 để thay thế khi A92 bị “khai tử” trên thị trường.

 

Theo ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, hiện nay, xăng E5 đang được bán song song cùng xăng khoáng, tuy nhiên người tiêu dùng vẫn chưa thật sự mặn mà với loại xăng này khi tỉ lệ tiêu thụ xăng E5 trên thị trường mới chỉ đạt chưa tới 10% trên tổng lượng tiêu thụ xăng khoáng.

 

“Việc thay đổi tập quán và nhận thức của người tiêu dùng đối với xăng sinh học luôn là một vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng từ trước đến nay, nhất là khi chênh lệch giữa giá bán lẻ của xăng E5 và xăng khoáng A92 không đủ sức thu hút họ” - ông Ruệ nhìn nhận.

 

Theo ông Ruệ, sẽ không tránh khỏi việc một bộ phận người dùng chuyển hẳn sang dùng xăng A95, nhất là các xe ôtô. Do đó, để khuyến khích sử dụng xăng E5 cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức đối với đại bộ phận người tiêu dùng và cần có cơ chế, chính sách phù hợp, chẳng hạn về chính sách thuế; xem xét lại hệ thống quy hoạch tại các địa phương để khuyến khích doanh nghiệp.

 

Thừa nhận lo ngại người dân sẽ chuyển sang sử dụng xăng A95 khi xăng A92 bị “khai tử” là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng doanh nghiệp xăng dầu cũng cho rằng, nếu mức chênh lệch giá hấp dẫn, người dùng sẽ không còn “chê” xăng sinh học E5.

 

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex Trần Ngọc Năm từng khẳng định sẽ phấn đấu và hoàn toàn tự tin trong việc đáp ứng đủ nguồn xăng A95 nếu nhu cầu về loại xăng này gia tăng khi xóa sổ xăng A92.

 

Trong khi đó, ông Trần Minh Hà - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) - cho rằng: “Nếu tạo ra mức chênh lệch giá hợp lý thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ không chê. Hiện tại mức chênh lệch mới khoảng 900 đồng/lít, nhưng doanh nghiệp đang đề nghị Nhà nước tính toán để mức chênh lệch này có thể tăng lên khoảng 1.500 đồng/lít sẽ có khoảng 80% người sử dụng xăng A92 hiện tại chuyển sang sử dụng xăng E5”.

 

Hiện tại, về vấn đề thuế bảo vệ môi trường, phí của xăng E5 cũng như sự chênh lệch về giá giữa xăng E5 và A95 (hiện dao động trong khoảng 1.000 - 1.200 đồng/lít, Bộ Công Thương cho biết, vẫn đang tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để các mức thuế, giá tiếp tục có sự hấp dẫn hơn, giúp doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng ưu tiên hơn khi lựa chọn xăng sinh học E5.

 

Băn khoăn chất lượng

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam - hiện trên thế giới có hơn 50 nước sử dụng nhiên liệu sinh học. Sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giá rẻ hơn...

 

Tuy nhiên, theo ông Hùng, xăng khoáng là nhiên liệu truyền thống, đã quen sử dụng, được kiểm nghiệm thực tế qua thời gian. Trong khi đó, xăng sinh học mới đưa vào sử dụng tại Việt Nam, hiểu biết về xăng sinh học còn hạn chế, việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng là một thách thức.

 

Ông Hùng chỉ ra rằng, người tiêu dùng có hàng loạt những băn khoăn như: Xăng sinh học không có nhiều nguồn cung cấp như xăng khoáng liệu có dẫn đến khả năng độc quyền khiến người tiêu dùng bị thiệt? Xăng sinh học khi ethanol có nồng độ thấp, độ tinh khiết dưới 99,5 độ có gây hại cho động cơ? Tính hút ẩm hơn xăng và dễ ôxy hóa của ethanol, sử dụng xăng sinh học liệu có làm hư hỏng buồng đốt nhiên liệu của động cơ và những tác động không mong muốn khác? Thậm chí, trong trường hợp sử dụng lẫn xăng E5 và xăng A92 có an toàn? Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - khẳng định, từ trước đến nay không xảy ra trường hợp khiếu nại về chất lượng xăng E5 là do có sự kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt.

 

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, kinh nghiệm cho thấy, từ khi xăng E5 triển khai tại 7 tỉnh (cuối năm 2014) đến nay, không có bất cứ khiếu kiện gì của người tiêu dùng chứng tỏ xăng E5 rất an toàn cho động cơ. Về điều này, Bộ KHCN đã có kiểm định, xác nhận.

 

Nguồn Lao động

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang