Thứ Sáu, 22/11/2024 14:00:34 GMT+7
Lượt xem: 2007

Tin đăng lúc 24-01-2018

Xăng “leo thang”, hàng Tết nỗ lực kìm giá

Giá xăng tăng vào thời điểm sức mua thị trường tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến giá cả các loại hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp (DN) chấp nhận chịu thiệt để kìm giá hỗ trợ người tiêu dùng (NTD).
Xăng “leo thang”, hàng Tết nỗ lực kìm giá
Các chuyên gia và DN cho rằng trong kỳ điều hành giá xăng dầu sắp tới, cơ quan quản lý cần áp dụng các giải pháp có thể để giữ giá xăng trong nước không tăng. Chẳng hạn như giảm thuế, giảm chiết khấu cho đại lý… để tránh tình trạng “té nước theo mưa”.

Theo công bố của Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới đang tăng nhanh, vì thế trong đợt điều hành giá xăng dầu ngày 19/1, giá xăng E5 RON 92 tăng 429 đồng/lít, lên mức tối đa 18.672 đồng/lít. Các chuyên gia đánh giá việc tăng giá xăng lần này sẽ tác động đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong những ngày cận Tết Nguyên đán.

 

Không thể chủ quan

 

Ủng hộ giá xăng dầu phải theo thị trường, tuy nhiên trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu tiêu dùng và đi lại tăng cao, nên nhiều DN và chuyên gia khuyến nghị cần cân nhắc kỹ việc điều chỉnh trước Tết để tránh áp lực tăng giá trong mùa mua sắm cuối năm.

 

Có thể nói, mức điều chỉnh tăng giá xăng mới đây thêm hơn 400 đồng/lít là một “cú hích” vào thị trường giá cả. Theo tính toán của các chuyên gia, tỷ trọng giá điện, xăng đối với giá một số mặt hàng thiết yếu là khoảng 5%, nên nếu có điều chỉnh giá đầu vào theo tỷ trọng tăng giá thì giá bán các mặt hàng trên thị trường sẽ tăng khoảng 3 – 4%.

 

Mới đây, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng ngày Tết như thịt lợn, rau quả, trái cây, hoa có thể tăng giá 15 – 20%; bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát cũng được dự báo tăng nhưng ở mức không quá cao.

 

Đại diện Bộ Công Thương cho biết hiện nay, giá xăng dầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vì vậy, các chuyên gia và DN cho rằng trong kỳ điều hành giá xăng dầu sắp tới, cơ quan quản lý cần áp dụng các giải pháp có thể để giữ giá xăng trong nước không tăng. Chẳng hạn như giảm thuế, giảm chiết khấu cho đại lý… để tránh tình trạng “té nước theo mưa”.

 

Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú: “Giải pháp tốt nhất hiện nay là không nên tăng giá xăng dầu. Cơ quan điều hành có thể dùng quỹ bình ổn để “kìm” giá xăng dầu. Có như vậy mới bình ổn được thị trường trong dịp Tết”.

 

Trả lời Thời báo Kinh Doanh, một số DN cho biết việc giá xăng tăng trước mắt chưa tác động nhiều đến diễn biến giá cả trên thị trường do các DN bán lẻ đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu khách hàng từ nay đến Tết Nguyên đán. 

 

Ngoại trừ các mặt hàng tươi sống như rau, củ quả và các loại thịt, cá… tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh sẽ có biến động tăng giá khoảng 10 – 15%.

 

DN gồng mình kìm giá

 

Để kìm không tăng giá cả hàng hóa, các DN khẳng định sẽ chấp nhận khó khăn một chút, chấp nhận lợi nhuận giảm vì đã cam kết với NTD không tăng giá trong dịp này. 

 

Đại diện siêu thị BigC cam kết giữ ổn định giá đối với 11.300 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh cho đến hết ngày 30 Tết. Vì vậy kể cả khi giá xăng dầu biến động tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, DN vẫn chấp nhận chịu thiệt để bảo vệ quyền lợi NTD.

 

Dù khẳng định các yếu tố đầu vào của sản xuất đều tăng từ giá nguyên liệu, giá điện, chi phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động… đều tác động đến giá thành sản phẩm, tuy nhiên, công ty CP Sài Gòn Food cũng sẽ không tăng giá hàng Tết, do là việc tăng giá có thể ảnh hưởng đến sức mua.

 

Hầu hết các DN bán lẻ cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết khoảng 1 tháng trước đó để được hưởng những ưu đãi về giá từ nhà sản xuất. Do đó, thời điểm này tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại vẫn có những chương trình khuyến mãi kéo dài đến Tết. 

 

Những mặt hàng đông lạnh cũng không có biến động về giá, thậm chí nhiều DN dự báo vào thời điểm từ 23 tháng Chạp, giá thịt lợn, cá, thịt bò, gà đông lạnh có thể giảm hơn so với ngoài chợ khoảng 10 – 20 nghìn đồng/kg.

 

Tuy nhiên, các DN khẳng định sau Tết, khi lượng hàng dự trữ đã hết, DN nhập mới, lúc đó giá cả có thể nhích lên do chi phí vận chuyển tăng. 

 

Tại hội thảo đánh giá thị trường giá cả trong năm 2018 mới đây, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng năm 2018 cần chú ý hai nhóm là điều tiết giá và điều hành giá. 

 

Ông Thỏa đánh giá nhóm hàng hóa trong năm nay được dự báo tiếp tục ổn định do nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là lộ trình thực hiện giá thị trường đối với một số dịch vụ công. 

 

Cụ thể, lộ trình tăng giá điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục trong năm nay tiếp tục được điều chỉnh ở một số địa phương. Đặc biệt, biến động giá xăng theo điều tiết thị trường sẽ khó lường. 

 

Vì vậy, ông Thỏa khuyến cáo phải lựa chọn thời điểm thích hợp, tránh cộng hưởng lan tỏa đến mặt bằng giá nói chung. 

 

“Thời điểm phải loại trừ lễ Tết, mùa vụ nhu cầu tiêu dùng cao. Về lâu dài cần giải pháp hỗ trợ giảm chi phí cho DN, cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết, cắt giảm phí, lệ phí. Đồng thời, tiếp tục xem xét giảm lãi suất phù hợp với lạm phát và ổn định tỷ giá”, ông Thỏa nhấn mạnh.

 

Nguồn Thời báo Kinh Doanh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang