Theo Hiệp hội In-tơ-nét (Internet Society), thuật ngữ “Internet of Things” (IoT) lần đầu tiên được chuyên gia công nghệ người Anh Ke-vin A-xtôn sử dụng vào năm 1999 để mô tả một hệ thống trong đó các đối tượng trong thế giới thực có thể được kết nối với in-tơ-nét bằng các cảm biến. A-xtôn sáng tạo ra thuật ngữ này để minh họa sức mạnh của việc kết nối các thẻ (tag) nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) được sử dụng trong các chuỗi cung ứng doanh nghiệp với in-tơ-nét để đếm và theo dõi hàng hóa mà không cần sự can thiệp của con người. Ngày nay, IoT đã trở thành một thuật ngữ phổ biến để mô tả các tình huống mà trong đó kết nối in-tơ-nét và khả năng điện toán mở rộng đến nhiều thiết bị, đối tượng, cảm biến và các vật dụng hằng ngày.
Có thể thí dụ IoT trong lĩnh vực giao thông sẽ giúp lái xe tránh được những tai nạn không đáng có, nhận được các cảnh báo cần thiết khi đang lái xe. Xa hơn có thể là công nghệ xe tự lái đang khá thịnh hành tại các nước phát triển. Hoặc các thành phố thông minh (Smart City), nơi mà các chính phủ có thể dễ dàng kiểm soát mật độ giao thông, tận dụng các ca-mê-ra an ninh để phát hiện các tình huống nguy hiểm, sớm đưa ra những thông tin cảnh báo cho người dân. Trên thực tế, IoT đang thay đổi cách con người làm việc và sinh sống. Hiện, in-tơ-nét đã tràn ngập vào ngõ ngách như thành phố thông minh, giao thông thông minh, tòa nhà thông minh…
Tại Việt Nam, IoT đã được ứng dụng, tuy nhiên hiện chưa có ứng dụng nào có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với đời sống xã hội Việt Nam. Trong thời gian tới, các ứng dụng trong lĩnh vực giao thông thông minh được dự báo sẽ trở nên phổ biến. Các lĩnh vực tiềm năng như y tế, điện tử, nông nghiệp, bất động sản thông minh sẽ cần thêm thời gian để có những ứng dụng IoT phù hợp với Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DTT, Việt Nam đang ở thời kỳ đầu của IoT. IoT sẽ đòi hỏi hình thành một hệ sinh thái mới tại Việt Nam. Hệ sinh thái này quyết định thành công và khả năng phát triển của IoT tại Việt Nam. Ông Nguyễn Thế Trung cho rằng, cần xây dựng một hệ sinh thái IoT sáng tạo và bền vững tại Việt Nam có khả năng cung cấp các giải pháp toàn diện cho thị trường trong nước. Để trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo IoT, Chính phủ cần khởi tạo một hệ sinh thái sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua hợp tác với các đối tác toàn cầu để định chuẩn và khởi tạo hệ sinh thái này, ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp của khu vực và thế giới tham gia, tận dụng thế mạnh của nguồn nhân lực và chi phí sản xuất tại Việt Nam. Chính phủ tạo định chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua việc tạo nền tảng nguồn mở dựa trên phần cứng và phần mềm nguồn mở và mở hóa các dữ liệu công và nêu ra các nhu cầu của xã hội, qua đó doanh nghiệp khởi nghiệp có thể nhanh chóng tạo ra các ứng dụng linh hoạt và phù hợp với nhu cầu xã hội. Việt Nam cũng cần xây dựng lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực quan trọng và đặc thù; định hướng thị trường IoT vào một số lĩnh vực như nông nghiệp, quốc phòng, tạo ra một số dự án tiên phong để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng tới thị trường quốc tế.
Phó Vụ trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Tuyên cho rằng, IoT mở ra nhiều thuận lợi nhưng cũng mang lại nhiều thách thức. Đó là rủi ro tụt hậu về công nghệ, thách thức trong sự lựa chọn chiến lược, công nghệ, đào tạo nhân lực, con người… Việt Nam đã và đang hướng tới triển khai quy hoạch tài nguyên viễn thông, tần số, hoàn thiện các tiêu chuẩn quy chuẩn về thiết bị viễn thông thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng, trong đó có thiết bị IoT; thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT như y tế thông minh, giao thông thông minh, các hệ thống quan trắc giám sát chất lượng nước, không khí, tài nguyên thiên nhiên… Theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tuyên, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan liên quan đang nỗ lực cải cách hành chính, môi trường đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng thuận lợi ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin xây dựng các chính sách thu hút các nguồn lực, trong đó có nhân lực chất lượng cao đủ khả năng cạnh tranh quốc tế, xây dựng chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế đối với các đối tượng đáp ứng công nghệ cao, đẩy mạnh đầu tư KHCN.
Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai Phòng thí nghiệm IoT Hòa Lạc (HIL) hoạt động theo mô hình kiểu mới, không sử dụng ngân sách Nhà nước dựa trên sự đóng góp của cộng đồng với mục tiêu kết nối các tổ chức cung cấp nền tảng phát triển, thiết bị và giải pháp IoT với cộng đồng khởi nghiệp và phát triển ứng dụng IoT tại Việt Nam. Nhiệm vụ cơ bản của phòng thí nghiệm là tạo ra hạ tầng chuẩn để các đơn vị phát triển giải pháp có thể thử nghiệm, kiểm tra và hoàn thiện giải pháp IoT trước khi đưa ra thị trường. Ban Quản lý HIL dự kiến các hoạt động sẽ được tập trung triển khai trong ba năm từ 2016 đến 2018. Trong năm nay, ngoài việc hoàn thiện các hạng mục cơ sở hạ tầng, vận hành phòng thí nghiệm, dự định sẽ hoàn thiện tổ chức, quy chế hoạt động của phòng thí nghiệm; tổ chức hội thảo về khởi nghiệp IoT; tổ chức một số khóa đào tạo, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp IoT; cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp IoT thông qua hợp tác với các vườn ươm…
Cisco ước tính, đến năm 2019 sẽ có hơn 24 tỷ thiết bị kết nối in-tơ-nét. Morgan Stanley dự báo đến năm 2030 có 75 tỷ thiết bị được nối mạng in-tơ-nét. Trong khi đó Huawei dự báo sẽ có hơn 100 tỷ kết nối IoT vào năm 2025. Viện McKinsey Toàn cầu ước tính tác động tài chính của IoT đối với kinh tế toàn cầu có thể đến mức 3,9 đến 11,1 tỷ USD vào năm 2025. |
Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử