Thứ Năm, 21/11/2024 16:35:44 GMT+7
Lượt xem: 387

Tin đăng lúc 13-11-2024

Xây dựng mô hình nông nghiệp sạch nhằm tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Chất lượng thực phẩm của nông sản nói chung và thực phẩm nói riêng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đời sống của con người. Chuỗi cung ứng thực phẩm ra đời đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng biết được nguồn gốc của sản phẩm. Việc xây dựng mô hình nông nghiệp sạch góp phần tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Xây dựng mô hình nông nghiệp sạch nhằm tạo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn
Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đang góp phần bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng sống của người dân

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn nhằm mang đến nguồn thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô. Theo đó, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương chủ động tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tiến tới nhân rộng các vùng sản xuất an toàn gắn với chuỗi giá trị hàng hóa cao, bền vững; Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp, giám sát chặt chẽ công tác sơ chế, chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó là tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản an toàn từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn; Khuyến khích, hỗ trợ triển khai mô hình sản xuất tốt theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao...

 

Nhờ đó, Thành phố Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, sản xuất nông nghiệp an toàn. Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố đã triển khai và vận hành 52 mô hình PGS với diện tích áp dụng vượt 2.000 ha. Trong đó, quy trình sản xuất, thu hoạch luôn được giám sát chặt chẽ và điều tra kỹ lưỡng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các đơn vị sản xuất, cùng các sản phẩm vi phạm nhằm góp phần duy trì tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

 

Các mô hình này đã và đang phát huy giá trị kinh tế và tạo nguồn cung cấp thực phẩn an toàn cho người dân Thủ đô, các doanh nghiệp cung ứng xuất ăn, các bếp ăn tập thể trường học và khu, cụm công nghiệp.

 

Một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đã và đang phát huy hiệu quả là HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng). Hiện nay, sản phẩm của HTX đã đưa vào 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng, cũng như chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Bác Tôm, cùng 06 chợ đầu mối trong vùng, mỗi ngày xuất 1,5 - 2 tạ rau củ, quả các loại,...

 

 

Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý

 

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng, bà Đặng Thị Cuối - Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý cho biết: Trang trại rau sạch của HTX Cuối Quý có tổng cộng 80 nhà màng sản xuất hơn 30 loại rau củ quả như rau mồng tơi, bí, su su, rau má, cà tím, mướp, các loại rau thơm, măng tây xanh… Hàng kỳ, trang trại rau được kiểm định chất lượng và đều đảm bảo hàm lượng hóa chất và vi sinh gây hại ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép. Việc làm cỏ, bắt sâu, chăm sóc rau đều được công nhân thực hiện thủ công bằng tay. Để diệt sâu bọ tận gốc, chúng tôi làm thuốc hữu cơ bằng cách trộn với men vi sinh, đường cát, sữa, ủ trong 02 tuần. Sau đó nghiền nát, lọc cặn bã và phun cho rau. Mỗi sáng, tầm 5 giờ, chúng tôi thu hoạch rau đem giao cho các chuỗi cửa hàng, siêu thị rau sạch đặt hàng từ trước.

 

Việc liên kết và tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn một mặt nâng cao trách nhiệm sản xuất, mặt khác tạo đầu ra ổn định cho HTX. Đây là chủ trương được Nhà nước, Thành phố quan tâm, vừa tạo động lực cho ngành Nông nghiệp phát triển vừa mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng, nhất là khi vấn đề bảo đảm ATP đang được cả xã hội quan tâm.

 

Văn Minh

 

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang