Thứ Sáu, 22/11/2024 19:13:52 GMT+7
Lượt xem: 1134

Tin đăng lúc 15-11-2021

Xây dựng thương hiệu cao su Việt Nam

Trong 9 đầu năm 2021, sản lượng xuất khẩu cao su đạt 1,3 triệu tấn, trị giá hơn 2,1 tỷ USD, tăng 17% về lượng và 52% về giá trị so với năm 2020. Hiện thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, quốc gia này đang thay đổi chính sách, thêm rào cản kỹ thuật. Bên cạnh đó, cao su tiểu điền tuy chiếm sản lượng hơn 50% nhưng chất lượng không ổn định.
Xây dựng thương hiệu cao su Việt Nam
Các công ty đầu tư công nghệ, nhà máy để sản xuất sản phẩm từ cao su. Ảnh: BẢO MINH

Xuất khẩu tăng ấn tượng


Trong những ngày này, nông trường cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng (tỉnh Bình Phước), thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), tấp nập công nhân hối hả cạo mủ. Không chỉ công ty, nhiều hộ tiểu điền cũng thuê nhân công từ địa phương khác để thu hoạch mủ cao su. Khác với nhiều năm trước, giá cao su năm nay tăng và vẫn giữ mức ổn định với hơn 40 triệu đồng/tấn; có những tháng đạt đỉnh 45-46 triệu đồng/tấn, so với giai đoạn 2012-2020, giá mủ cao su khô chỉ bình quân 30 triệu đồng/tấn. 

 

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, xuất khẩu trong thời gian qua tăng trưởng cao là nhờ thị trường Trung Quốc tăng nhập khẩu, chiếm khoảng 70% tổng sản lượng cao su của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang cung cấp lượng cao su lớn thứ 11 cho Mỹ với 30.000 tấn, tăng hơn 90% so với cùng kỳ. 

 

Nhờ đầu tư kỹ thuật chăm sóc cao su tốt hơn so với các nước, những năm qua, bệnh nấm lá không còn ảnh hưởng nhiều đến năng suất của cao su Việt Nam. Trong khi đó, có khoảng 0,6 triệu ha cao su trưởng thành ở các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc… bị hư hại. Ngoài ra, mưa trái mùa cũng làm gián đoạn việc thu hoạch mủ ở Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ. Dự báo, từ năm 2021-2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung cao su đang giảm dần, vì thế xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá. 
 

Một lý do khiến cao su Việt Nam tăng giá là nhờ chất lượng đạt chuẩn. Nhiều vườn cao su của công ty, thậm chí vườn cao su tiểu điền của người dân đều được thay đổi  theo hướng áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đơn cử, VRG mạnh dạn thực hiện 2 khu nông nghiệp công nghệ cao; 13 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 4.370ha, hướng đến năm 2025 doanh thu đạt khoảng 48.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 10.000 tỷ đồng. Công ty CP Cao su Đồng Phú đầu tư cải tạo 3 nhà máy chế biến mủ với công nghệ tiên tiến. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy đạt 9.000 tấn mủ khối, 6.000 tấn mủ latex, 3.000 tấn mủ tờ RSS… Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng cũng ứng dụng khoa học kỹ thuật, duy trì liên tục năng suất vườn cây đạt trên 2 tấn/ha. 
 

Phát huy sức mạnh tiểu điền
 

Hiện nay, sản phẩm của 260.000 hộ trồng cao su tiểu điền đang có vị trí quan trọng trong xuất khẩu bởi chiếm đến 51% tổng diện tích cao su cả nước, chiếm gần 62% tổng lượng mủ được khai thác trên cả nước. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, với hơn 80% hộ có diện tích trồng cao su nhỏ từ 0,8-1,5ha, hầu hết đều hạn chế về kỹ thuật sản xuất, chưa tuân thủ quy định hướng tới phát triển bền vững nên chất lượng cao su của các hộ này thiếu tính ổn định và không đồng đều. Việc này đã khiến giá bán cao su của Việt Nam thường thấp hơn so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, nhiều hộ tiểu điền thiếu thông tin về nhiều khâu trong chuỗi cung ứng, hay tiêu chuẩn về chất lượng đối với nguồn mủ cao su nguyên liệu đầu vào nên có thể tạo ra các rủi ro cho ngành cao su Việt Nam khi tham gia thị trường xuất khẩu trong tương lai.


Theo Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, hiện Nhà nước cùng một số tổ chức đã và đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền. Tuy nhiên, quy mô của các hoạt động này thường nhỏ, không đủ để đem lại những lợi ích thiết thực cho số đông hộ tiểu điền. Trong một hội thảo mới đây, ông Võ Hoàng An, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, nêu ý kiến, các hộ tiểu điền nên tập hợp thành hợp tác xã và liên kết với các công ty lớn để cùng phát triển mô hình sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc gia làm cơ sở pháp lý, khuyến khích doanh nghiệp cao su xây dựng các mô hình liên kết giữa hộ tiểu điền và doanh nghiệp, tạo ra nguồn nguyên liệu không chỉ đảm bảo chất lượng ổn định mà còn đáp ứng tiêu chí về bền vững theo yêu cầu thị trường trong tương lai. 

 

Để đảm bảo được chất lượng cao su, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, đang đẩy mạnh việc cấp nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/Viet Nam Rubber”. Đây là một trong những việc làm cần thiết bên cạnh việc nâng chất trồng, chế biến cao su nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu cho cao su Việt. 

 

Theo Sggp.org.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang