Vì sao lấy giống lúa ngoại để xây dựng thương hiệu?
Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thể lệ, quy chế sáng tác logo và tiêu chuẩn gạo quốc gia, do Cục Chế biến Nông - Lâm - Thủy sản và ngành Muối tổ chức đã đưa vào dự thảo 3 giống lúa là Jasmine 85, ST21 và Nàng Hoa 9 để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.
Về vấn đề này, T.S Nguyễn Thị Hằng, một chuyên gia trong ngành Nông nghiệp chia sẻ, việc Bộ NNPTNT tổ chức cuộc thi thiết kế logo, lựa chọn giống gạo xây dựng thương hiệu gạo quốc gia là rất tốt. Song với 3 giống gạo trên dự tính làm thương hiệu gạo quốc gia thì đều có nguồn gốc, xuất xứ không phải của Việt Nam.
Giống gạo Jasmine 85 hiện đang được trồng phổ biến tại Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng lại có nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ; trong khi đó, giống gạo Nàng Hoa 9, cũng là một trong những loại gạo lai (lai giữa Jasmine và AS 96).
Loại gạo còn lại là ST21 (còn gọi là RVT), một trong những loại gạo thơm được nhiều người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn, khi được đưa vào dự thảo xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, lại khiến cho người “khai sinh” ra loại gạo này là ông Hồ Quang Cua (nguyên Phó giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng) cảm thấy không hài lòng.
Bởi lẽ theo ông Cua, những mô tả về giống lúa ST21 trong dự thảo, lại có những đặc điểm của giống lúa RVT và có xuất xứ từ Trung Quốc. Ngay đến thời điểm hiện tại, ST21 vẫn chưa được công nhận và chưa được phép trồng đại trà.
“Việc Bộ NNPTNT tổ chức cuộc thi thiết kế logo, chọn giống và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, là một việc làm cần thiết và cấp bách, nhưng không vì thế mà chúng ta có thể lựa chọn giống gạo ngoại để xây dựng thương hiệu quốc gia.
Bởi lẽ, với loại gạo này nó đã có thương hiệu trên thế giới, thì chúng ta không thể xây dựng một thương hiệu quốc gia, trên một thương hiệu quốc gia khác. Trong khi đó, ở Việt Nam có rất nhiều giống gạo ngon, chất lượng tốt sao chúng ta không lựa chọn? vì sao chúng ta không thể xây dựng thương hiệu quốc gia trên giống lúa của chính chúng ta?” - T.S Nguyễn Thị Hằng đặt câu hỏi.
Gạo ta thì phải trả tên ta
Trước ý kiến của các nhà chuyên môn, cùng các chuyên gia nông nghiệp về việc lựa chọn giống ngoại cho thương hiệu gạo quốc gia. Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông – Lâm – Thủy sản và nghề Muối cho rằng, sở dĩ 3 giống gạo trên được lựa chọn đưa vào dự thảo xây dựng thương hiệu gạo quốc gia bởi đây đều là những giống gạo có sản lượng xuất khẩu đứng đầu cả nước trong những năm qua.
Với câu trả lời trên, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, hiện tại gạo Việt Nam có nhiều giống gạo rất tốt nhưng mới chỉ được người tiêu dùng trên thế giới biết đến với cái tên “gạo trắng, hạt dài”, hoặc lại bị gắn tên và thương hiệu của một doanh nghiệp trung gian.
Bởi vậy, khi xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, chúng ta phải lấy chính gạo của Việt Nam để xây dựng, đó không chỉ là “lòng tự trọng” của một trong những nước có ngành lúa nước phát triển và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, mà còn là lòng tự tôn, tự hào dân tộc.
Trên bình diện doanh nhân, ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc Công ty Xuất, nhập khẩu nông sản T&T cho rằng, ở các nước khi xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, họ sẽ tuyển chọn rất kỹ các giống gạo ngon, sau đó sẽ nấu các loại gạo này thành cơm, mời các chuyên gia ẩm thực, chuyên gia nông nghiệp đến đánh giá và phân loại chất lượng dinh dưỡng...
Khi đã lựa chọn được giống, họ mới tiến hành thương mại hóa, nhưng quá trình sản xuất vẫn phải trải qua một quy trình kiểm soát, kiểm tra chất lượng thường xuyên. “Ngành lúa gạo của chúng ta đang có một nền móng vững chắc, khi chúng ta đang có nhiều giống gạo ngon, chất lượng tốt.
Tuy nhiên, cách xây dựng thương hiệu gạo hiện nay của Bộ NNPTNT thì lại xây nhà từ nóc, khi mà các loại giống, chất lượng và xuất xứ lại đang phải “mượn” thương hiệu từ nước ngoài. Phải chăng đây là một cách làm chộp giật, thời vụ” – ông Trung nêu vấn đề.
Cùng chung quan điểm với ông Trung, T.S Nguyễn Thị Hằng cũng cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo quốc gia phải xây dựng trên nền tảng sản phẩm có sẵn và đó phải là sản phẩm của chính chúng ta. Vì thế, cách làm trên của Bộ NNPTNT chưa hợp lý, cần phải có tiêu chuẩn và tiêu chí rõ ràng để xây dựng thương hiệu.
Nếu Bộ NNPTNT chưa làm được, thì nên tạo cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp để họ xây dựng thương hiệu theo từng vùng miền, để từ đó lựa chọn thương hiệu gạo quốc gia từ chính những thương hiệu tiềm năng này. “Chúng ta xây dựng thương hiệu gạo đã muộn, nhưng không vì muộn mà xây dựng theo lối chộp giật, vay mượn các giống gạo ngoại” – T.S Hằng cho hay.
Nguồn laodongthudo