Sau 15 năm triển khai, Chương trình THQG đã tạo được những dấu ấn đặc biệt, trong đó đã góp phần giúp một số doanh nghiệp (DN) có sản phẩm đạt THQG định vị được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chương trình THQG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2003 với mục tiêu xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa, dịch vụ đa dạng phong phú chất lượng cao; nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường nhận biết thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sức hấp dẫn ngày càng tăng
Sau 15 năm triển khai với 6 lần xét chọn, Chương trình đã thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng DN và có sức lan tỏa ngày càng rõ nét. Điều này được thể hiện qua số lượng DN có sản phẩm được công nhận đạt THQG tăng đều qua các năm. Nếu năm 2008 mới chỉ có 30 DN có sản phẩm đạt THQG thì đến 2018 con số này là 97 DN, trong đó, có nhiều thương hiệu đã vững chân tại thị trường trong nước cũng như nước ngoài như Vietnam Airlines, Vinamilk, Viettel…. Thông qua Chương trình này, các DN đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu, coi thương hiệu là công cụ trong cạnh tranh và kinh doanh.
Điều tạo nên sự hấp dẫn của Chương trình THQG, theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, cố vấn cao cấp Chương trình THQG, đó chính là uy tín của Chương trình. Bởi hiện tại, THQG là chương trình duy nhất của Chính phủ xây dựng hình ảnh quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Với bộ tiêu chí có tính khoa học cao và quy trình lựa chọn chặt chẽ, chương trình đã chọn được những thương hiệu uy tín đại diện cho hình ảnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc các DN có sản phẩm đạt THQG ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước đã tạo sức lan tỏa lớn, đây là những tấm gương để các DN khác thấy được sự hữu ích của việc xây dựng thương hiệu và tích cực tham gia vào Chương trình.
Cần xây dựng Chiến lược THQG phù hợp với xu thế phát triển mới
Chương trình THQG sau 15 năm triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng DN về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN tiêu biểu đại diện cho THQG Việt Nam, hỗ trợ các DN nâng cao năng lực kinh doanh và gia tăng giá trị cho sản phẩm. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa được như kỳ vọng, bởi nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa khẳng định được vị trí và thương hiệu trên trường quốc tế; nhiều DN thậm chí chưa biết đến Chương trình THQG.
Theo các chuyên gia nguyên nhân là do còn nhiều DN chưa quan tâm, không coi thương hiệu là công cụ đưa DN đến với người tiêu dùng, nhất là các DN nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận các cơ quan quản lý chưa có biện pháp hỗ trợ, đầu tư cho nguồn lực xây dựng THQG; công tác quảng bá truyền thông, xúc tiến thiếu toàn diện và đồng bộ; chưa có tư duy chiến lược cho cả một giai đoạn… cộng thêm việc nguồn lực cho xây dựng thương hiệu tại các DN còn thiếu nên nhìn chung THQG còn mờ nhạt.
Nhìn nhận được thực trạng trên, tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần thứ 12 năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng THQG Việt Nam cho rằng: “Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều thay đổi, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, nó không chỉ dựng lại ở cấp độ DN mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và cả cấp quốc gia. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng Chiến lược THQG phù hợp với xu thế phát triển mới là hết sức cần thiết”.
Cần sớm hoàn thiện Đề án THQG mới
Để nâng cao thế mạnh của THQG Việt Nam, tạo một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới, Bộ Công Thương hiện đang triển khai xây dựng, hoàn thiện Đề án Chương trình THQG Việt Nam giai đoạn mới và Dự thảo Quy chế quản lý, thực hiện Chương trình THQG Việt Nam trình Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng ban Thư ký Chương trình THQG, nội dung của Chương trình giai đoạn mới sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của DN với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng THQG Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu, các du khách, nhà đầu tư, người lao động và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cân nhắc, bên cạnh việc công nhận các DN có sản phẩm đạt THQG, trong giai đoạn mới, chương trình sẽ triển khai công nhận các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông cho các thương hiệu này. Đề án được phê duyệt kỳ vọng sẽ tạo ra một chính sách, cơ chế thống nhất, đồng thuận, nhất quán trên phạm vi cả nước, từ Trung ương đến địa phương, giữa các Bộ, ngành, tổ chức trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh quốc gia Việt Nam.
Có thể thấy, việc xây dựng THQG không chỉ là xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua hàng hóa, dịch vụ gắn với giá trị, mà còn là “chìa khóa” giúp DN tạo uy tín, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm vị thế của DN trong dài hạn. Để làm tốt điều này, rất cần sự chung tay lâu dài và bền bỉ của cả một dân tộc. Bởi nếu có sự chung tay của mọi thành phần xã hội trong và ngoài nước, cùng với sự điều phối chiến lược của Đảng và Nhà nước sẽ tạo ra sức mạnh tổng thể, giúp rút ngắn khoảng cách khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Quỳnh Anh