Sau khi nhiều phòng gym, trung tâm thể thao, công viên tại Hà Nội buộc phải đóng cửa để phòng dịch, nhu cầu đạp xe tại Hà Nội tăng mạnh.
Chia sẻ với Zing, các cửa hàng, đại lý cho biết doanh số, doanh thu thời gian gần đây tăng trưởng đột biến. Bên cạnh đó, bước vào kỳ nghỉ hè, nhu cầu mua sắm xe đạp của các bậc phụ huynh cho con cái cũng có sự thay đổi rõ rệt.
Trên phố Bà Triệu, chợ xe đạp tại nút giao Bà Triệu - Hàm Long được nhiều người tìm đến. Cửa hàng của anh Thanh Tú liên tục đón khách đến xem và mua xe. “Đợi tôi 30 phút, khách đang đông quá”, anh vừa nói, vừa đẫm mồ hôi nâng chiếc xe đạp giao cho một khách khác.
Dù có thợ, bản thân anh Tú cũng phải tự tay bán hàng, lắp ráp xe, tư vấn cho khách do số lượng người tìm đến quá đông. Để tránh tập trung đông người, anh dành riêng một hàng ghế đợi cho các khách đến sau.
Trải qua 3 đợt dịch Covid-19, đây là lần hiếm hoi cửa hàng anh ghi nhận mức doanh số cao như vậy. Năm 2020, doanh số của cửa hàng tăng trung bình 200%. Thời điểm này, doanh số của cửa hàng tăng những 250% so với bình thường.
“Phải nói là may mắn khi ngành nghề này của tôi không bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Từ lúc mở hàng cho đến khi đóng cửa, có ngày cao điểm chúng tôi bán được 70-80 chiếc, doanh thu dao động trung bình 400 triệu đồng mỗi ngày”, anh Tú nói.
Hiện nay, các dòng xe đạp phổ thông với mức giá dưới 9 triệu đồng đang thu hút nhiều người mua nhất. Đây là những mẫu xe có chất lượng tương đối tốt, cơ bản, ít hỏng vặt. Tuy nhiên, những mẫu xe cao cấp, chất lượng cao, kiểu dáng đẹp với tầm giá trên 10 triệu đồng vẫn rất hút khách.
Trao đổi thêm, anh Tú cho biết phần lớn khách hàng thời điểm này là thanh thiếu niên và gia đình.
“Vì muốn con có nhiều thời gian vận động hơn nên tôi tìm mua xe đạp cho cháu. Do chỉ phục vụ nhu cầu cơ bản nên hai vợ chồng đang cân nhắc các mẫu xe có giá dưới 5 triệu đồng”, chị Thanh Bình (37 tuổi, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ. Sau một hồi tham khảo, gia đình chị quyết định mua 2 chiếc xe đạp với tổng số tiền 6,4 triệu đồng.
Tranh thủ dịp cuối tuần, Trung Hiếu (22 tuổi) cùng 3 người bạn nữa cũng tìm đến chợ để mua xe đạp. Do phòng tập đóng cửa, Hiếu rủ bạn bè đi mua xe để đạp hàng ngày. Hiếu cho biết sau 2 tiếng cân nhắc, nhóm của anh đã mua 4 chiếc xe đạp địa hình và đang chờ thợ lắp ráp.
Anh Vinh, chủ một đại lý xe đạp trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) cho biết doanh số thời điểm này khác hẳn năm ngoái. Hiện nay, mỗi ngày cửa hàng xe đạp anh cung ứng trung bình 20-30 chiếc. Ngoài khách mua trực tiếp, anh và thợ phải thay nhau đóng hàng chuyển đến các tỉnh khác.
“Chúng tôi chủ yếu cung cấp xe đạp cho người sành thể thao. Tuy nhiên lượng khách phong trào nay khá nhiều, tất cả các đối tượng từ trẻ nhỏ, thanh niên, người lớn tuổi cả nam cả nữ đều quan tâm đến xe đạp. Đôi khi cung không đủ cầu, cảm giác rất tiếc nuối”, anh Vinh nhận xét.
Cửa hàng anh hiện chuyên cung cấp xe đạp người lớn, trẻ em dưới 1 m là không có xe. Giá thành sản phẩm dao động từ 3,7-150 triệu đồng. Các thương hiệu xe đạp bán chạy nhất hiện nay là XDS, Giant, Trek, Galaxy, Trinx.
Anh cho biết phần lớn lượng khách hỏi mua các mẫu dưới 3 triệu đồng. Tuy nhiên mức giá này thường là những mẫu chất lượng kém, khung sắt, số nhái, không phù hợp để tập thể dục, hỏng vặt nhiều nên bên anh không nhập.
Để đẩy mạnh quá trình bán hàng, anh Vinh thiết lập riêng một website và cập nhật hàng ngày. Bên cạnh đó, cửa hàng anh cũng có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… Trên các sàn chủ yếu bán được phụ kiện, lác đác mới có người dùng đặt mua xe nguyên thùng.
Bên cạnh loại hình bán xe đạp, dịch vụ cho thuê xe, đặc biệt tại khu vực hồ Tây, cũng được người dân ưa chuộng. Trung bình, mức giá thuê xe đạp tại các cửa hàng ven hồ dao động từ 40.000-80.000 đồng/lượt trong khoảng 3 giờ.
Hồ Tây đang là địa điểm được nhiều người dân tìm đến để tụ tập, đi bộ hoặc đạp xe. Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh, ngày 31/5, UBND quận Tây Hồ đã phải lập 20 chốt kiểm soát ven hồ để ngăn người dân đi tập thể dục bất chấp quy định về phòng chống Covid-19.
Chủ một cửa hàng cho thuê xe đạp tại phố Trích Sài phản ánh phong trào đạp xe khiến mọi người tập trung đông, gây tắc nghẽn giao thông. Do đó, để tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh, cửa hàng đã phải thông báo tạm đóng cửa từ tháng 4.
“Nhìn doanh số buồn lắm, hiện bên mình chỉ nhận khách đặt trước để kiểm soát số lượng, giới hạn người cho thuê, tránh trường hợp tập trung đông người. Cho đến khi tình hình diễn biến tích cực, bên mình sẽ chính thức mở cửa trở lại”, vị này chia sẻ.
Bên cạnh các cửa hàng nhỏ, một số doanh nghiệp, chuỗi siêu thị lớn cũng quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh xe đạp.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động cho biết từ 30/4, công ty đã kinh doanh thêm ngành hàng xe đạp tại siêu thị Điện máy Xanh Lê Văn Việt và Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức. Doanh nghiệp này đồng thời thông báo sẽ mở rộng quy mô kinh doanh ngành hàng này.
Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế giới Di động, doanh thu ngành hàng mới tương đối khả quan, một phần do khai trương đúng dịp nghỉ lễ. Các dòng xe được bày bán hiện nay bao gồm xe đạp leo núi, xe thể thao, xe thành phố, xe trẻ em. Trung bình, doanh số đạt được là 15 chiếc/siêu thị/ngày. Giá mỗi mẫu xe dao động trên dưới 3 triệu đồng.
Thị trường xe đạp đang có nhiều dư địa cho các doanh nghiệp tham gia. Theo nghiên cứu của SSI Research, nhu cầu xe đạp trong nước ở mức 2,5 triệu chiếc/năm. Với giá bán 2-2,5 triệu đồng/chiếc, tổng quy mô của thị trường này rơi vào khoảng 5.000-6.000 tỷ/năm.
Theo Zing