Giữa tâm dịch bệnh
Bước ra khỏi khu vực cách ly sáng 4-2, anh Li Zichao xúc động: “Tôi rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế và Bệnh viện Chợ Rẫy đã quan tâm điều trị để tôi được hồi phục như ngày hôm nay và xuất viện. Tôi cũng xin cảm ơn tất cả đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện đã chăm sóc, lo cho tôi không những về mặt thể chất mà còn về mặt tinh thần!”.
TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sau gần hai tuần điều trị, bệnh nhân Li Zichao đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để được xuất viện khi bốn lần xét nghiệm âm tính với virus corona và các biểu hiện lâm sàng ổn định. Dù được xuất viện nhưng bệnh nhân Li Zichao xin phép được tiếp tục ở lại bệnh viện để chăm sóc cha của mình. Riêng với trường hợp bệnh nhân Li Ding (66 tuổi) đang có tiến triển tốt, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục theo dõi do bệnh nhân này mắc nhiều bệnh nền kèm theo như: đái tháo đường, huyết áp, bệnh lý mạch vành, u phổi… Tuy nhiên, bệnh nhân này đã có dấu hiệu phục hồi tốt như đã tự ăn, uống, vệ sinh cá nhân.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá cao những nỗ lực của Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trong việc kịp thời xét nghiệm, phát hiện và điều trị cho các bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên. Riêng với trường hợp bệnh nhân Li Ding, đây là bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nền, miễn dịch kém nên việc điều trị chắc chắn gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, những dấu hiệu hồi phục tốt ở bệnh nhân này là minh chứng cho những nỗ lực của các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. “Ở Trung Quốc, tỷ lệ trường hợp tử vong do nhiễm nCoV phần lớn là các bệnh nhân có bệnh nền nặng tương tự trường hợp của bệnh nhân Li Ding. Do đó, đây là nỗ lực và cũng là bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bè quốc tế. Chúng ta có thể khẳng định, Việt Nam đã bước đầu điều trị thành công cho người bệnh nhiễm nCoV”, PGS Lương Ngọc Khuê nhận định.
Có mặt trong buổi tiếp đón công dân Trung Quốc Li Zichao xuất viện, ông Hoàng Hy Bình, lãnh sự Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, ông rất phấn khởi khi được tham gia hoạt động đón công dân Trung Quốc đầu tiên tại Việt Nam đã được điều trị khỏi bệnh và ra viện: “Chúng tôi rất biết ơn Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã chăm sóc, điều trị khỏi bệnh cho công dân Trung Quốc. Hiện vẫn còn một công dân Trung Quốc của chúng tôi vẫn chưa khỏi bệnh, mong các bác sĩ tiếp tục chăm sóc tận tình, điều trị để công dân chúng tôi sớm hồi phục và trở về nhà”.
Những ngày căng mình chống dịch
TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, người trực tiếp điều trị và chỉ đạo điều trị cho hai bệnh nhân người Trung Quốc mắc nCoV cho biết, đây là lần “đánh trận” với nhiều áp lực và cảm xúc của ông. Chủng virus hoàn toàn mới, chưa có phác đồ cụ thể cùng khả năng lây nhiễm ở mức cao là những gì mà các bác sĩ tại khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy phải đối mặt.
Ngay khi tiếp nhận hai cha con bệnh nhân vào tối 22-1, xác định các yếu tố dịch tễ và triệu chứng đi kèm, các bác sĩ đã nghi vấn ngay đến căn bệnh nCoV đang hoành hành ở Trung Quốc. Thế nhưng mọi triệu chứng đều chưa rõ ràng, chưa thể khẳng định đó là cúm thường hay nCoV, phải thuyết phục thế nào để hai cha con người Trung Quốc chấp nhận nhập viện cách ly là điều đầu tiên các bác sĩ phải đối mặt.
Đến khi có kết quả xét nghiệm xác nhận hai bệnh nhân dương tính với virus, 30 nhân viên y tế có chuyên môn cao của khoa đã được huy động trở lại để thực hiện việc phân luồng, cách ly và theo dõi, điều trị nhằm không để bệnh phát tán ra ngoài. Lịch trực Tết dù đã được sắp xếp nhưng vì tính chất quan trọng của các ca bệnh, các nhân viên y tế đã chấp nhận tăng ca.
Khó khăn đầu tiên khi điều trị hai ca bệnh nCoV là do chủng virus mới. Dù cùng “gia đình” với corona nhưng corona lần này biến thể khác với dòng corona từng gây SARS và MERS, chúng có độc lực cao, khả năng lây nhiễm giữa người sang người là có và vì lạ nên chưa có phác đồ chính xác. TS Hùng cho biết, dù chủng virus lần này hoàn toàn mới nhưng do chúng cùng dòng corona virus nên đặc tính cũng có những điểm trùng nhau. Thí dụ như ở nhiệt độ cao thì những con virus này không thể sống kéo dài, nên phòng điều trị cho bệnh nhân được chọn là những phòng có thể đón ánh nắng mặt trời thường xuyên.
Ngoài ra, các dung dịch sát khuẩn được chọn dùng để tiếp xúc tại chỗ, vệ sinh môi trường, hoặc cho bệnh nhân và nhân viên y tế súc họng cũng là những loại có sức sát khuẩn cao. Đây chưa phải là bằng chứng sát thực nhưng kết quả cho thấy rất khả quan. “Tại Vũ Hán (Trung Quốc), dù phòng điều trị áp lực âm nhưng do nhiệt độ môi trường khá thấp nên việc tiêu diệt virus sẽ lâu hơn và khó hơn ở bệnh viện chúng tôi”, TS Hùng lý giải.
Do thế giới chưa có loại thuốc kháng virus nào diệt hẳn được virus corona chủng mới mà chỉ chống việc virus sinh sôi và lây lan rộng, chính vì thế Bệnh viện Chợ Rẫy đã áp dụng tất cả các biện pháp dùng kháng virus kháng sinh chung, sau đó qua xét nghiệm và theo dõi từng bệnh nhân, bệnh viện đã có biện pháp riêng cho từng người. Cách điều trị này đã đem lại kết quả rõ rệt khi người con chỉ sau ba ngày đã hết sốt, xét nghiệm bốn lần âm tính. Người cha từ chỗ không thể đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có nhân viên y tế trợ giúp thì nay cũng đã hết sốt, không phải thở oxy, tự đi lại và sinh hoạt như bình thường.
Ghi nhận những nỗ lực của các bác sĩ, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho Bệnh viện Chợ Rẫy và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vì những nỗ lực trong tiếp nhận, xét nghiệm, điều trị cho hai bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên tại Việt Nam.
Theo Báo Thời Nay