Thứ Bẩy, 23/11/2024 12:40:42 GMT+7
Lượt xem: 3075

Tin đăng lúc 05-04-2016

"Xin-cho" nhập khẩu và cách làm mới của Bộ Công Thương

Dự thảo thông tư hướng dẫn thí điểm đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 của Bộ Công Thương nhằm mục tiêu loại bỏ được cơ chế “xin - cho”.
"Xin-cho" nhập khẩu và cách làm mới của Bộ Công Thương
Cơ chế phân bổ hạn ngạch nhập khẩu đường hiện nay mang nặng tính "xin-cho"

Hàng năm, việc phân bổ hạn ngạch nhập khẩu đường cho các DN có nhu cầu sử dụng đường làm nguyên liệu luôn gặp phải ý kiến trái chiều bởi DN cho rằng cơ chế phân giao nặng tính chất “xin - cho”. Do đó, dự thảo thông tư hướng dẫn việc thí điểm đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 của Bộ Công Thương được nhiều DN tán thành.

 

Ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký Hiệp hội mía đường - cho rằng, việc Bộ Công Thương cho đấu thầu hạn ngạch đã được các DN trong ngành đánh giá cao vì đảm bảo được nguyên tắc công bằng, tránh việc thực hiện cơ chế “xin - cho” như trước đây. Cơ chế điều hành nhập khẩu đường với hai yêu cầu chính: Bảo đảm quyền lợi người trồng mía và DN chế biến đường trong nước, đồng thời tuân thủ và thực hiện được cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

 

Về phía DN sử dụng mía đường, ông Lưu Huỳnh - Giám đốc Marketing Công ty bánh kẹo Phạm Nguyên - cho biết: Hiện đơn vị này chưa nhận được thông báo chính thức về việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mía đường, song chắc chắn Phạm Nguyên sẽ tham gia đấu giá bởi nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường của công ty rất lớn.

 

Cụ thể, năm 2015, công ty cần khoảng 1.000 tấn đường nguyên liệu và năm nay dự kiến cần trên 1.000 tấn. Tuy nhiên, theo hạn ngạch được cấp, năm 2015, Phạm Nguyên chỉ được nhập khẩu trên 300 tấn, số còn lại buộc phải dùng nguyên liệu trong nước hoặc đàm phán với đối tác nhập khẩu khác.

 

Việc nhập khẩu, theo ông Huỳnh sẽ rẻ hơn so với đường trong nước gần 20%, song do số lượng được nhập chưa tới 50% nhu cầu nên DN rất mong muốn được cấp phép nhiều hơn.

 

Theo đại diện của Vinamilk, do giá đường trong nước sản xuất cao hơn giá đường nhập khẩu, nên việc sử dụng đường nhập khẩu sẽ góp phần làm hạ giá thành sản phẩm. Đây cũng là nhu cầu chính đáng của các DN sản xuất.

 

Nhiều DN sử dụng đường cho biết, hiện nay giá đường sản xuất trong nước vẫn đang cao hơn so với giá nhập khẩu. Khi giá nguyên liệu cao kéo theo giá thành sản xuất tăng và người tiêu dùng sẽ chịu thiệt.

 

Trước đó (tháng 7/2015), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý thực hiện thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường như đề nghị của Bộ Công Thương vào năm 2016.

 

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế để thực hiện thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường.

 

Căn cứ kết quả thực hiện thí điểm trong năm 2016, Bộ Công Thương tổng kết, đánh giá hiệu quả, tác động của phương thức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường và phản ứng từ các thành viên WTO. Trên cơ sở đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương thức điều hành phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.

 

Theo Dương Thảo/ Báo Công Thương

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang