Chủ Nhật, 24/11/2024 05:17:09 GMT+7
Lượt xem: 2742

Tin đăng lúc 20-02-2019

Xử lý kinh doanh hàng giả qua thương mại điện tử: Cách nào hiệu quả?

Hàng hóa đa dạng, đặt hàng dễ dàng, thanh toán, nhận hàng thuận tiện… là những ưu điểm nổi bật của mua sắm điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái qua thương mại điện tử đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Để xử lý tình trạng này, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Xử lý kinh doanh hàng giả qua thương mại điện tử: Cách nào hiệu quả?
Để xử lý tình trạng hàng nhái, hàng giả qua thương mại điện tử, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng

Việt Nam có khoảng hơn 20.000 trang web thương mại điện tử bán hàng và gần 900 trang web cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được ngành chức năng xét duyệt, cho phép hoạt động. Với số lượng lớn như vậy, cùng với ưu điểm nhanh chóng, tiện lợi, thương mại điện tử ngày càng được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng của những sản phẩm được chào bán tại đây vẫn còn là điều gây tranh cãi.

Điển hình, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái đã gửi đơn đến cơ quan chức năng “kêu” về tình trạng nhiều sản phẩm giả, nhái nhãn hiệu Cuckoo đang được rao bán trên một số website mua bán trực tuyến, đặc biệt là hai dòng sản phẩm ấm siêu tốc và nồi cơm điện. Cuckoo là nhãn hiệu đồ gia dụng do Phú Thái phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Tương tự, Hãng mỹ phẩm L’Oréal của Pháp đã phát hiện một số website tại Việt Nam quảng cáo, chào bán các sản phẩm mang nhãn hiệu của L’Oréal với giá rẻ bất ngờ. Một số hãng khác như Chanel, Louis Vuitton... cũng thông báo tình trạng hàng giả, nhái thương hiệu của mình được rao bán với giá chỉ từ vài trăm nghìn đồng đang ngày càng tăng. Đáng chú ý, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành chức năng đã phát hiện hàng chục nghìn trường hợp các nhà cung cấp bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các khu chợ điện tử được cho là lớn nhất Việt Nam như: Shopee, Chợ tốt...

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Rất nhiều trang thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam rao bán hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng đã vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ. Cụ thể, các loại đồng hồ sang trọng, kính mắt, bút thương hiệu Montblanc; túi xách Hermes, Chanel; giày Nike, nếu là hàng thật có giá hàng nghìn USD, nhưng được rao bán trên trang thương mại điện tử Sendo, Lazada với lời quảng cáo hàng F1, F2 (hàng nhái "nước 1", "nước 2") với giá chỉ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng. Trong khi đó, thực tế số vụ xử phạt các vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường số còn rất hạn chế”.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: “Trong siêu thị, cả trăm nghìn mặt hàng từ cọng hành cho đến hạt đậu, tất cả đều phải có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó, hàng bán trên mạng có hàng triệu lượt người xem, nhưng nguồn gốc, chất lượng thế nào chẳng ai hay”. Về phía người tiêu dùng, dù biết sản phẩm mình mua là hàng giả, hàng nhái, nhưng vẫn đặt mua vì giá rẻ, phù hợp. Như vậy, vô hình trung việc làm này đã tiếp tay cho nạn hàng nhái lan rộng hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu điện tử Hùng Thuận cho biết: “Vấn đề nằm ở chỗ hàng hóa trên mạng không thể kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết giao dịch (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có chứng từ cụ thể, nên việc phát hiện, quản lý và xử lý của các ngành chức năng càng trở nên khó khăn”.

Cũng theo ông Hùng, tại Mỹ, nếu khách hàng phản hồi hàng hóa của Amazon bán là giả, hàng kém chất lượng, ngay lập tức Amazon đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường hay đổi hàng cho khách. Khi khách hàng phản hồi hài lòng, Amazon mới truy trách nhiệm nhà sản xuất, xử lý công bằng theo luật thương mại. Cùng với đó, doanh nghiệp bị phạt số tiền lớn, hoặc bị người tiêu dùng kiện ra tòa thì kết quả doanh thu của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và được dự báo đạt 10 tỷ USD vào năm 2022. Tuy nhiên, kỳ vọng này có đạt được hay không phụ thuộc rất nhiều vào những thay đổi trong quản lý, đặc biệt trong việc giám sát chất lượng hàng hóa bán trên các sàn. Bà Nguyễn Như Quỳnh cho rằng, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ có vai trò đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang bước vào nền thương mại điện tử. Vì thế, Việt Nam cần có những chính sách, quy định để bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả; đồng thời, cần sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng trong việc thực thi vấn đề này.

 

Nguồn Hanoimoi


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang