Ông Phan Hoàn Kiếm cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình vận chuyển, chứa trữ, buôn bán hàng hoá nhập lậu, hàng cấm, vi phạm về quyền sở hữu tri tuệ, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đối với những mặt hàng nhập lậu, hàng giả nổi trội như thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, giày dép ..khi lực lượng QLTT tăng cường kiểm soát và xử lý mạnh tay thì mức độ vi phạm đã được kéo giảm rõ rệt.
“ Khi QLTT tổ chức kiểm tra đồng loạt hàng giả, hàng nhái tại chợ Bến Thành, tôi vừa được anh em ở Đội QLTT 3A báo cáo hiện đã có nhiều sạp kinh doanh giày dép, đồng hồ, giày dép vừa mới bị xử lý ở chợ này không còn kinh doanh các mặt hàng vi phạm, thậm chí có cửa hàng đã đóng cửa không kinh doanh”, ông Kiếm nói thêm.
Các đại biểu than gia hội nghị tổng kết nhất trí sự phối kết hợp nhiều lực lượng và xủ lý nghiêm các hành vi vi phạm thì hàng lậu, hàng giả sẽ được kéo giảm
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng năm 2018, Chi Cục QLTT TP.Hồ Chí Minh đã kiểm tra 10.560 vụ chuyên ngành và liên ngành, tăng 1642 vụ so với cùng kỳ năm trước và phát hiện 3.037 vụ vi phạm.
Trong kiểm tra chuyên ngành, QLTT thành phố đã phát hiện 2.260 vụ vi phạm, trong đó có 315 hàng cấm, 816 vụ hàng lậu, 463 hàng giả. Chi cục QLTT thành phố đã chuyển 7 vụ cho công an khởi tố hình sự gồm 5 vụ vận chuyển thuốc lá lâu, 1 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả, 1 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tổng giá trị hàng hóa tang vật khoảng 1,5 tỷ đồng. Hiện tại, Chi cục đã xử phạt 2211 vụ, thu nộp ngân sách hơn 63,5 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy gần 41 tỷ đồng và trị giá hàng tịch thu chờ bán hơn 30 tỷ đồng. Ngoài ra, Chi cục QLTT TP.Hồ Chí Minh còn phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành và phát hiện 777 vụ vi phạm.
Theo ông Bách, kết qủa thu được từ đầu năm đến nay của Chi cục QLTT thành phố là nhờ sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Cục QLTT, UBND TP. Hồ Chí Minh và công tác phối hợp tốt của các ban ngành, quận huyện của thành phố trong coogn tác điều tra, xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, ông Bách cũng thừa nhận, TP.Hồ Chí Minh là địa phương có mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển; lưu thông hàng hóa trên nhiều tuyến, địa điểm chứa trữ, giao nhận hàng hóa ngày càng tinh vi; công tác quản lý địa bàn của các đội QLTT đôi khi chưa được chặt chẽ, dẫn đến chưa cập nhật kịp thời những diễn biến của đối tượng kinh doanh, nhóm mặt hàng, địa bàn trọng điểm để kịp thời kiểm tra, xử lý. Dẫn đến một số mặt hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa được đẩy lùi. Mặc dù công tác kiểm tra, kiểm soát đã được tăng cường nhưng chưa được quyết liệt và đồng bộ, trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ có lúc, có nơi chưa cao, thiết lập hồ sơ kiểm tra, xử lý còn thiếu sót dẫn đến việc bức xúc, khiếu nại của cá nhân, tổ chức bị kiểm tra.
Để lập lại trật tự thị trường từ nay đến cuối năm, nhất là thời điểm có nhiều ngày lễ và dịp Tết Nguyên đán Chi cục QLTT TP.Hồ Chí Minh sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý tận gốc các vụ việc vi phạm. Theo đó, Chi cục sẽ tăng cường các biện pháp đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương maị, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và thuốc y học cổ truyền theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức phân công các đội QLTT trên đại bàn giáp ranh với các tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình, theo dõi các luồng tuyến, nhằm đấu tranh có hiệu quả công tác chống vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại...nhất là mặt hàng thuốc lá nhập lậu, pháo nổ, đường cát...trong dịp cuối năm.
Nhằm hỗ trợ cho công tác hoạt động chuyên ngành đạt hiệu qủa, Chi cục QLTT thành phố kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các ban ngành phê duyệt và hỗ trợ để xây dựng trụ sở cho các đội QLTT thuộc Chi cục Nhà Bè, Bình Chánh, Tân Phú, Bình Thạnh, Hóc Môn ...nhằm đảm bảo điều kiện làm việc. Xem xét, bố trí cho Chi cục QLTT thành phố một kho quản lý tang vật riêng biệt, diện tích khoảng 5000m2, trong đó, có 1.000-1.500m2 làm kho chuyên biệt để bảo quản các tang vật đòi hỏi phải có điều kiện đặc biệt như phân bón, hóa chất, thực phẩm...nhằm đảm bảo được yêu cầu trong công tác quản lý tang vật và công tác phòng cháy, chữa cháy.
Theo Báo Công Thương điện tử