Thứ Sáu, 22/11/2024 06:33:06 GMT+7
Lượt xem: 4935

Tin đăng lúc 07-07-2017

Xuất cá tra vào Mỹ: Làm gì để “vượt rào”?

Còn hai tháng nữa, cá tra Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ trở lại với tên gọi “catfish” (cá da trơn). Nhưng có lẽ tên gọi “catfish” là một câu chuyện dài của con cá tra Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ vốn đang đối mặt với nhiều lận đận để vượt qua những rào cản. Để đối phó với chuyện này là cả bài toán “cân não”.
Xuất cá tra vào Mỹ: Làm gì để “vượt rào”?
Xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ phải “vừa hợp tác vừa đấu tranh”

Mức tăng trưởng xuất khẩu cá tra trong 6 tháng đầu năm nay được cho là thấp, chỉ đạt 583 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý I năm nay, xuất khẩu cá tra sang Mỹ chỉ đạt 61 triệu USD, giảm 24,3% so cùng kỳ năm trước. Thuế chống bán phá giá ở Mỹ áp gần 3 USD/kg trong những tháng đầu, cùng với nhiều rào cản khác khiến các DN ngại ngần khi xuất khẩu vào thị trường này.
 

“Vấn đề khắc nghiệt”

 

Để thúc đẩy mức tăng trưởng, thị trường Mỹ là một trong ba thị trường quan trọng cần tập trung tháo gỡ. Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm và dự báo sẽ khó hồi phục trong bối cảnh thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn sẽ áp dụng chính thức từ tháng 9/2017, thị trường tiền tệ xáo trộn và tăng rào cản kỹ thuật, thuế quan và bảo hộ.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc tại thị trường Mỹ vì hiện nay việc xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm đáng kể.

 

Các DN cần phát triển dòng sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần gắn việc sản xuất, chế biến với xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào các thị trường khó tính như Mỹ.

 

Theo lưu ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cá tra là một trong hai mặt hàng xuất khẩu nông thuỷ sản chủ lực của Việt Nam vào Mỹ đang gặp phải những “vấn đề khắc nghiệt.”

 

Trước đó, phía Mỹ đã quyết định, từ ngày 1/9/2017, cá tra nhập khẩu vào Mỹ sẽ tuân theo các quy định như các sản phẩm cá da trơn sản xuất tại Mỹ, và sẽ chịu sự giám sát nghiêm ngặt của Bộ Nông nghiệp nước này.

 

Từ ngày 1/9/2017, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ giám sát cá da trơn, cá tra với một tên gọi thống nhất là “catfish”. Tức là sau thời điểm này, cá tra của Việt Nam, lâu nay vẫn phải dùng tên gọi tra fish sẽ chuyển thành catfish. Hiện nay, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ vẫn chịu sự kiểm tra của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Còn sau thời điểm 1/9, USDA sẽ làm thay công việc này của FDA, kiểm tra tất cả các khâu của chuỗi sản xuất ở Việt Nam, từ khi ươm trứng cho đến sản phẩm đóng gói cuối cùng.

 

Khi đó, Cục Thanh tra an toàn thực phẩm của Mỹ (FSIS) sẽ tiến hành kiểm tra lấy mẫu 100% lô hàng sản phẩm cá tra nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa, nếu không có bộ hồ sơ đánh giá tương đồng về thống kê tiêu chuẩn, quy chuẩn; giám sát chất lượng… như yêu cầu của phía Mỹ, cá tra Việt Nam sẽ không được xuất vào Mỹ.

 

Có những ý kiến cho rằng từ vấn đề của cá tra xuất khẩu, Việt Nam nên chuẩn bị các điều kiện để kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), nếu việc áp dụng Đạo luật Nông trại của nước này ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

 

Vừa hợp tác, vừa đấu tranh

 

Để doanh nghiệp (DN) Việt Nam thuận lợi trong xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ, nhất là với ngành cá tra, ông Herb Cochran – cố vấn Phòng Thương mại Mỹ tại VN (AmCham) – khuyến nghị Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng sắp xếp để Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vào thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất cá tra trong nước trước tháng 8/2017, để đảm bảo có thể tiếp tục xuất khẩu vào thị trường này.

 

Điều quan trọng đối với các nhà xuất khẩu, đó là FSMA yêu cầu phải có xác nhận từ các nhà phân phối ở Mỹ rằng đã đáp ứng yêu cầu. Do đó, ông Herb Cochran nhấn mạnh trách nhiệm của DN phải nhanh chóng đầu tư để được công nhận. Nếu DN nào không đáp ứng sẽ không được xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

 

Theo nhận định của các DN, nếu từ cuối tháng 8 – đầu tháng 9/2017, xuất khẩu cá tra sang Mỹ gặp thêm khó khăn từ chương trình thanh tra cá da trơn bên thuế chống bán phá cao thì xuất khẩu cá tra nhiều khả năng giảm mạnh hơn nữa.

 

Trước vấn đề hàng rào kỹ thuật và nhất là các tiêu chuẩn khắt khe từ Mỹ trong việc nhập khẩu thủy sản, theo giới chuyên gia, yêu cầu đặt ra cho các DN Việt bây giờ là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Song đáng lo là hiện nay có tình trạng nhiều DN cho rằng rất khó khăn.

 

Vì vậy, khi thấy hiện trạng sụt giảm xuất khẩu cá tra vào Mỹ mà việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe được xem là điều kiện cần thiết, bản thân các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam phải thay đổi theo. Nếu các DN chỉ đáp ứng những tiêu chuẩn trong nước hoặc những thị trường dễ tính sẽ khó tăng thêm giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra.

 

Giới chuyên gia khuyến nghị các DN xuất khẩu cá tra cần thay đổi cách tiếp cận và chiến lược xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nếu muốn ngăn đà giảm xuất khẩu cá tra vào thị trường lớn là Mỹ, đòi hỏi quan trọng là các DN Việt phải tự thay đổi nếu không muốn bị “hắt” ra khỏi thị trường vốn có nhiều đối thủ cạnh tranh này.

 

Được biết, Bộ NN&PTNT đã có ba giải pháp với Chương trình giám sát cá da trơn theo Đạo luật Nông trại của Mỹ. Bộ này được cho là đang tích cực hợp tác với Bộ Nông nghiệp Mỹ, để đảm bảo những yêu cầu để đánh giá tương đương (1/9 tới là hạn cuối cùng).

 

Việt Nam cũng sẽ tăng cường vận động hành lang với giới chức và đối tác Mỹ, để họ thấy rằng chương trình giám sát cá da trơn là vô lý và tốn kém, không cần thiết, cần bãi bỏ. Đặc biệt là không để họ “nhân bản” mô hình kiểm soát này sang tôm và những nông sản khác.

 

Nhưng như chủ trương của Bộ NN&PTNT, với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá tra cần tiếp cận theo quan điểm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, đồng thời rà soát, tổ chức lại sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang