Thứ Sáu, 22/11/2024 16:29:54 GMT+7
Lượt xem: 3093

Tin đăng lúc 03-09-2016

Xuất khẩu cà phê tăng kỷ lục về lượng

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là niên vụ cà phê 2015-2016 sẽ kết thúc. Dự tính niên vụ này sẽ thiết lập kỷ lục về khối lượng cà phê xuất khẩu (XK) với 1,7 triệu tấn.
Xuất khẩu cà phê tăng kỷ lục về lượng

Khối lượng tăng, giá trị kim ngạch chững

 

Theo số liệu của Tổng cục hải quan, XK cà phê của Việt Nam trong tháng 7 đạt 139.800 tấn, giá trị đạt 269 triệu USD. Như vậy, lũy kế XK cà phê trong 10 tháng đầu niên vụ 2015-2016 (từ 1/10/2015 đến 31/7/2016) đạt 1,46 triệu tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước, đem về tổng giá trị kim ngạch 2,58 tỷ USD.

 

Hiệp hội Cà phê Việt Nam (Vicofa) đưa ra ước tính, tháng 8 và tháng 9/2016 sẽ XK được 240 nghìn tấn cà phê, đem về 420 triệu USD nữa. Dự tính toàn niên vụ 2015-2016, cả nước sẽ XK được 1,7 triệu tấn cà phê và đạt tổng kim ngạch 3,1 tỷ USD, tăng 41% về lượng và tăng 19,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là niên vụ thiết lập kỷ lục mới về khối lượng cà phê XK, tuy nhiên, kim ngạch vẫn thấp hơn so với mức 3,4 tỷ USD ở niên vụ 2013-2014.

 

Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê thế giới, niên vụ này, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí XK cà phê thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil. Nếu cộng thêm ít nhất 102 nghìn tấn tiêu thụ nội địa thì tổng khối lượng tiêu thụ cà phê toàn niên vụ 2015-2016 cũng sẽ lập kỷ lục chưa từng thấy: Đạt 1,8 triệu tấn và lần đầu tiên vượt 30 triệu bao. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình XK cà phê Việt Nam những năm qua cho thấy, khối lượng XK không ngừng tăng nhưng giá trị kim ngạch đã chững lại.

 

Nâng chất để tăng giá trị cho cà phê Việt

 

Để ngành cà phê hướng tới XK bền vững, tăng giá trị kim ngạch XK trong niên vụ 2016-2017, theo ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Vifoca, từ doanh nghiệp đến những người làm các khâu dịch vụ, xuất nhập khẩu đều phải tuân thủ quy chuẩn quốc tế. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo được chất lượng thì cà phê Việt Nam mới đem lại giá trị  XK cao.

 

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện chính sách chiến lược (Ipsard) kiêm Phó Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam - nhấn mạnh: “Nếu cà phê của Việt Nam vẫn chủ yếu XK ở dạng thô như hiện nay thì rất khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước như Brazil, Colombia hay Indonesia”.

 

Để nâng giá trị cho XK cà phê, ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) - cho biết, tập trung cho cà phê hòa tan đã được Bộ NN&PTNT định hướng phát triển mạnh trong thời gian tới. Mục tiêu đến năm 2020, có từ 25% sản lượng cà phê nhân trở lên được chế biến thành các sản phẩm cà phê phục vụ trực tiếp tiêu dùng. Trong đó, sản lượng cà phê rang xay là 50.000 tấn/năm, cà phê hòa tan đạt 255.000 tấn/năm. Đến năm 2030, sản lượng cà phê hòa tan sẽ tăng lên 350.000 tấn/năm.

 

Cũng theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, cà phê hòa tan đã chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng trên thế giới và dự báo sẽ còn tăng trưởng tốt trong nhiều năm tới. Do vậy, tiềm năng XK mặt hàng này của Việt Nam là rất lớn nhờ sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào.

 

Về phía Vicofa cũng cho rằng, phát triển ngành công nghiệp chế biến và XK cà phê hòa tan sẽ tạo thêm nhiều giá trị gia tăng so với XK cà phê hạt. Hiện nay, lượng cà phê hòa tan XK mặc dù mới chỉ chiếm trên 3% tổng lượng XK cà phê nhưng kim ngạch lại đạt khoảng 8% tổng kim ngạch XK.

 

Với những giải pháp mạnh để thúc đẩy XK cà phê, tăng giá trị kim ngạch, Bộ NN&PTNT kỳ vọng, đến năm 2020, tỷ lệ cà phê tiêu dùng (cà phê chế biến sâu: cà phê rang xay, cà phê hòa tan) đạt trên 25% tổng sản lượng cà phê nhân. Tổng kim ngạch XK các sản phẩm cà phê đến năm 2020 đạt từ 3,8 đến 4,2 tỷ USD/năm, đến năm 2030 đạt trên 4,5 tỷ USD/năm.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang