Siết chặt yêu cầu chất lượng
Mới đây, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành “Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes XK sang thị trường Hoa Kỳ”. Theo đó, để cá da trơn XK được vào thị trường Hoa Kỳ, các cơ sở nuôi, vận chuyển, giết mổ/chế biến, bảo quản, XK phải đáp ứng được các chỉ tiêu ATTP, và đặc biệt phải tuân thủ quy định về dư lượng hóa chất, kháng sinh, kim loại.
Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) - chia sẻ, chương trình này xuất phát từ yêu cầu của Cục Kiểm tra ATTP (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Theo đó, so với năm 2017, chương trình mới có 2 nội dung thay đổi, thứ nhất là đưa phương tiện vận chuyển thành đối tượng quản lý. Thứ hai là siết chặt kiểm soát con giống, dư lượng kháng sinh.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản CAFATEX - cho biết, việc đưa phương tiện vận chuyển thành đối tượng quản lý sẽ khiến nhiều DN gặp khó khăn. Nguyên nhân là do, đặc thù vùng sản xuất cá tra nằm dọc theo sông Tiền và sông Hậu, việc thu hoạch, vận chuyển cá chủ yếu thông qua ghe chuyên dụng, nên kiểm soát phương tiện vận chuyển rất khó. Cùng với đó, việc kiểm soát dư lượng kháng sinh cũng khó hơn do các DN thu mua cá nguyên liệu từ nhiều hộ nuôi khác nhau.
Dù những yêu cầu có khắt khe hơn, song theo bà Tô Thị Tường Lan đây là vấn đề cần phải hoàn thiện. Nếu DN thực hiện tốt, sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định vị thế của con cá tra trên thị trường.
“Việc thực hiện chuỗi chương trình kiểm soát ATTP này là xu thế tất yếu trong thời gian tới, bởi không chỉ Hoa Kỳ, mà cả các thị trường khác như EU, Nhật Bản đều có thể yêu cầu như vậy” - bà Lan cho biết.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - đánh giá, thời gian qua, các DN XK vào Hoa Kỳ vẫn đang thực hiện rất tốt yêu cầu mà Hoa Kỳ đưa ra. Với chương trình mới này, ông Nghĩa cho rằng, thực hiện tốt sẽ góp phần giúp sản phẩm cá tra có cơ hội hưởng thuế chống bán phá giá (CBPG) thấp nhất.
Phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với hộ nuôi
Bà Tô Thị Tường Lan thông tin, hiện Việt Nam có 13 cơ sở đã được Hoa Kỳ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chế biến, XK vào Hoa Kỳ. Trong đó, có 2 DN đang XK vào thị trường này với mức thuế CBPG 0%. Dự kiến, trong năm 2021, con số này sẽ tiếp tục tăng lên.
Để được như vậy, theo VASEP, thời gian tới, các DN nhỏ nếu muốn XK vào Hoa Kỳ phải kết hợp tốt với những hộ chăn nuôi và có những yêu cầu cụ thể để kiểm soát thức ăn chăn nuôi, dư lượng thuốc cũng như chất lượng cá thương phẩm. Về vấn đề con giống, các vùng, cơ sở chăn nuôi nên mua giống tại các trung tâm giống đạt chất lượng, những chương trình giống đã được chứng nhận. Cùng với đó, các đề án bổ sung con giống như: Đề án giống 3 cấp hiện nay mà Chính phủ và Bộ NN&PTNT đang tiến hành sẽ giải quyết tốt hơn về vấn đề con giống trong những năm tiếp theo.
“Vấn đề con giống rất quan trọng, bởi nếu con giống tốt, khỏe mạnh, đáp ứng chất lượng thì sẽ giảm được rất nhiều việc sử dụng kháng sinh, từ đó chất lượng cá tra sẽ đảm bảo” - bà Lan cho hay.
Hoa Kỳ là thị trường cá tra lớn của Việt Nam, song kim ngạch XK vào nước này mới chỉ đạt 300 triệu USD trong năm 2019. Để đẩy mạnh hơn nữa, các DN xuất khẩu cá tra đang từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu đặt ra. |
Theo Báo Công Thương