Cơ hội và thách thức đan xen nhau
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách VN (Lefaso): Năm 2017, VN sản xuất gần 1,2 tỉ đôi giày (chiếm 5,2% tổng sản lượng giày dép thế giới, đứng thứ 3 thế giới - sau Trung Quốc và Ấn Độ). VN XK giày dép đạt kim ngạch 14,6 tỉ USD và XK túi xách đạt 3,2 tỉ USD. Các con số trên đều tăng so với năm trước. Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso - cho rằng: “Cơ hội đặt ra cho các doanh nghiệp (DN) da giày - túi xách VN rất nhiều. Cơ hội đó có được từ nền móng cơ sở vật chất, tay nghề, lực lượng công nhân và số lượng khách hàng - thị trường, mà ngành da giày - túi xách VN đã tạo dựng hơn 20 năm qua”.
Tuy nhiên, ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Lefaso - cũng cho biết: “DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tới trên 80% tổng kim ngạch XK. Trong khi đó, do gặp nhiều khó khăn, DN trong nước không mở rộng sản xuất, tỉ trọng XK của trong nước tiếp tục giảm, từ mức 25% năm 2013, xuống còn 19,4% năm 2017. XK giày dép cũng giảm từ 24,4% năm 2013 xuống 19,5% năm 2017; XK túi xách giảm từ 27,9% xuống còn 19,9% v.v...”. Như vậy, cơ hội lẫn thách thức vẫn tồn tại ngay trong hoạt động của ngành XK da giày - túi xách VN.
Phải cải cách đồng loạt
Trong năm 2018, Trung Quốc tiếp tục giảm ưu đãi đầu tư với dệt may và da giày, để tập trung cho các ngành công nghệ cao. Vì vậy, chắc chắn các đơn hàng “khủng” về gia công giày dép - túi xách... sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang VN, chờ cơ hội Hiệp định Mậu dịch thương mại VN - Châu Âu (EVFTA) dự kiến được ký kết và có hiệu lực trong năm 2018 và 2019. Trong nước, các DN FDI ở lĩnh vực da giày sẽ tăng lên trong năm 2017, nhằm đón đầu FTA có hiệu lực, nên XK da giày VN năm 2018 tiếp tục tăng nhờ XK của khối FDI.
“Giá trị kim ngạch XK của ngành da giày - túi xách VN năm 2018 đạt từ 19,5-20 tỉ USD không khó. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải cải cách rất nhiều bất cập, vướng mắc hiện đang đặt ra với ngành da giày. Các bất cập, vướng mắc ấy, ngặt cái là không thể một bộ, ngành có thể giải quyết, khai thông. Hơn thế, cần phải linh động giải quyết ở cấp Nhà nước, Chính phủ, v.v...” - ông Kiệt nói. Thí dụ: Việc tăng lương tối thiểu vùng đang trở thành gánh nặng với các DN ngành da giày.
Ông Nguyễn Văn Lê - Phó GĐ Cty CP Đông Hưng (Bình Dương) - nói: “Ngành da giày chủ yếu gia công XK. Chi phí lao động chiếm trên 70% phí gia công mà đối tác nước ngoài trả theo số lượng sản phẩm. Nếu lương tối thiểu vùng tăng với mức quá cao hằng năm (18%), trong khi năng suất lao động tăng thấp (3-4%) và phí gia công sản phẩm giảm hoặc không tăng, lợi nhuận hằng năm của DN sẽ giảm. Điều này, khiến DN đẩy nhanh quá trình tự động hoá sản xuất, tinh giản bộ máy quản lý và sa thải lao động, tạo khó khăn và bất ổn cho xã hội”.
Thật vậy, trên thực tế, với sự mở màn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, gần đây, tại không ít nhà máy thuộc khối DN FDI đã và đang đẩy nhanh nhập khẩu máy móc tự động hoá, giảm thiểu sử dụng nhiều lao động trong ngành da giày...
Ông Bùi Thế Hùng - Tổng GĐ Cty CP giày Khải Hoàn (TPHCM) - cho biết: “Đơn cử ở TP.Hải Phòng, đầu năm 2017, Hải Phòng triển khai thu phí “sử dụng công trình hạ tầng” trong khu vực cảng biển, mục đích là để tận thu cho ngân sách thành phố. Mỗi container XK, da giày phải nộp thêm 2,2-4,4 triệu đồng. Thật vô lý, không thấy cảng nào đưa ra loại phí này, mà chỉ thấy ở cảng Hải Phòng. Rõ ràng, phí chồng lên phí, gây khó khăn cho DN”.
Mới đây, Lefaso đã có hẳn văn bản gửi lên Chính phủ kiến nghị gỡ bỏ hàng loạt bất cập đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của ngành da giày - túi xách VN. Trong đó, có đề xuất không thực hiện tăng lương tối thiểu vùng hằng năm, mà bằng phương án tăng lương theo “mức sống tối thiểu vùng”, tức là từ 2-3 năm/lần tăng lương... Đặc biệt, Lefaso đề nghị giảm các loại chi phí, như bỏ việc thu phí hạ tầng tại các cảng biển. Chỉ nên thu phí vừa phải đối với mỗi container xuất nhập khẩu; cũng như cần xem xét giảm nhiều loại phí phát sinh trong quá trình vận tải hàng hoá tại cảng và trên đường bộ.
Ngoài ra, các DN da giày còn phản ánh một số mặt hàng của DN Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc đã không được đối xử bình đẳng. “Đó là một bất công. Nếu bất hợp lý trên không sửa đổi, sẽ khuyến khích nhập khẩu giày dép nguyên chiếc từ Trung Quốc, Thái Lan... về bán trong nước, hơn là nhập khẩu nguyên phụ liệu về sản xuất. Điều đó, khác nào bóp chết ngành sản xuất giày dép nội địa?” - ông Nguyễn Văn Lê nói.
Hơn lúc nào hết, Chính phủ và các cơ quan chức năng phải kịp thời khắc phục các bất cập, để ngành da giày - túi xách VN thực sự có được động lực để phát triển và vươn xa.
Nguồn Lao động