Dư địa cho xuất khẩu
Trong 5 năm vừa qua, Australia luôn duy trì mức tăng nhập khẩu hàng dệt may từ 3-5%/năm. Năm 2017, quốc gia này cũng đã nhập khẩu tới 9,32 tỷ USD giá trị hàng dệt may từ thị trường thế giới. Song với thị trường này, dệt may Việt Nam chưa khai thác được như kỳ vọng, mới XK được khoảng 200 triệu USD/năm, tăng trưởng dưới 10%/năm.
Đáng lưu ý, xu hướng chuyển nhập khẩu hàng hóa và đặt đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để được hưởng ưu đãi từ Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định CPTPP của doanh nghiệp Australia ngày một rõ ràng.
Ông Nguyễn Phúc Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) - cho rằng: Dệt may Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng XK sang Australia. Đặc biệt theo cam kết trong CPTPP, quốc gia này sẽ giảm thuế nhập khẩu hàng dệt may về 5% ngay trong 3 năm đầu khi hiệp định có hiệu lực và về 0% kể từ năm thứ 4 với một số mã hàng. Nếu tận dụng tốt, dệt may Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy tăng trưởng XK lên 2 con số.
Ông Trần Văn Quyến - đại diện The Woolmark Company - phân tích, thu nhập của người dân Australia cao, sức mua lớn, đặc biệt khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Australia gần hơn so với Mỹ và châu Âu nên khá thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Thay đổi phương thức sản xuất phù hợp
Đại diện The Woolmark Company cũng cho hay: Thách thức lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Australia là đòi hỏi chất lượng cao, thậm chí có những lĩnh vực còn yêu cầu cao hơn châu Âu và Mỹ. Do đó, doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng bền vững, ổn định. Hơn nữa, muốn XK vào Australia bắt buộc phải có và giới thiệu công khai chứng chỉ quốc tế về trách nhiệm xã hội trên website của doanh nghiệp.
Một điểm đặc biệt nữa, nhà phân phối Australia phần lớn kinh doanh online, hạn chế tối đa lượng tồn kho, do đó đơn đặt hàng thường nhỏ chỉ từ 100 - 1.000 chiếc/mã hàng. Doanh nghiệp lớn Việt Nam thường không muốn nhận đơn hàng nhỏ do doanh thu không cao. Đơn hàng nhỏ phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng các đối tượng này hầu như chưa có chứng chỉ quốc tế về trách nhiệm xã hội, đó là điểm khập khiễng, gây trở ngại cho tăng trưởng XK dệt may Việt Nam vào Australia.
Đã có kinh nghiệm nghiên cứu thị trường Australia, ông Thái Bình Dương - Giám đốc Công ty TNHH Yến Dương (Bắc Ninh) - chia sẻ: Đây là thị trường khó tính, người dân rất khắt khe về tiêu chí chất lượng sản phẩm, an toàn trong tiêu dùng. Gu thẩm mỹ về hàng dệt may cũng có sự khác biệt, không rườm rà nhưng cầu kỳ và chú trọng tới những chi tiết phức tạp.
Ông Trần Văn Quyến khuyến nghị, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cần sớm nâng cấp nhà máy sản xuất để được chứng nhận đủ điều kiện XK sang các nước phát triển. Tổ chức lại website mang tầm quốc tế, mở rộng tìm kiếm, khai thác nguồn nguyên liệu. Khi làm việc với đối tác, doanh nghiệp cần có phong cách làm việc chuyên nghiệp, hội nhập, trước tiên là khả năng tiếng Anh tốt, hiểu và tuân thủ các chính sách thương mại quốc tế, tham gia nhiều hội chợ chuyên ngành để nắm bắt xu hướng thị trường.
Theo cam kết trong CPTPP, lộ trình giảm thuế nhập khẩu hàng dệt may của Australia khá nhanh là điều kiện tốt giúp dệt may Việt Nam thúc đẩy XK, đạt mức tăng trưởng 2 con số sang thị trường này. |
Theo báo Công Thương