Thứ Ba, 26/11/2024 03:26:20 GMT+7
Lượt xem: 1077

Tin đăng lúc 06-09-2018

Xuất khẩu dệt may vào Mỹ và nỗi lo hàng Trung Quốc "đi đường vòng"

Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của dệt may với gần 40% tổng kim ngạch. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Trung Quốc – Mỹ bùng bổ, xuất khẩu dệt may Việt sẽ phải đứng trước nhiều thách thức lớn.
Xuất khẩu dệt may vào Mỹ và nỗi lo hàng Trung Quốc "đi đường vòng"
Ngành dệt may Việt Nam phát triển mạnh từ 2002 đến nay với mức tăng trưởng trung bình mỗi năm đến 20%.

Theo báo cáo ngành dệt may của Công ty chứng khoán quốc tế (VIS), ngành dệt may Việt Nam phát triển mạnh từ 2002 đến nay với mức tăng trưởng trung bình mỗi năm đến 20%. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, xuất khẩu dệt may chựng lại 1 năm nhưng sau đó hồi phục và duy trì tăng trưởng trung bình 15% đến nay.

 

Chiếm tới 40% kim ngạch

 

Dệt may là một trong những ngành xuất siêu kỷ lục của VN khi năm 2017 đạt thặng dư đến 15,5 tỷ USD. 8 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt 19,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 10,4% của cùng kỳ 2017.

 

4 thị trường lớn Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm đến 75% giá trị hàng xuất khẩu Việt Nam. Các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ bên cạnh thị trường mới Trung Quốc cũng gia tăng đến gần 50%.

 

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chính của dệt may chiếm đến gần 40% tổng kim ngạch. Năm nay trong 6 tháng đầu năm đã đạt 6.4 tỷ USD. VIS dự báo kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm 2018 tăng 12,3% đạt 13,8 tỷ USD.

 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất vào Mỹ với tỷ lệ khoảng 36.6%, nhưng giá trị đang giảm gần 10% từ đỉnh cao 44.6 tỷ USD 2015. Trong khi đó dệt may Việt Nam xếp thứ hai với khoảng 11.5% và đang có cơ hội tăng cao hơn từ mức 11.2 tỷ USD lên gần 13 tỷ năm 2017.

 

Hóa giải nỗi lo bị lợi dụng về mặt danh nghĩa

 

Các chuyên gia nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của dệt may Việt Nam trong năm 2019 trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đang gặp sự cạnh tranh gay gắt.

 

Theo VIS, việc Mỹ khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam nhưng có một vấn đề khác là Trung Quốc có thể đẩy mạnh việc luân chuyển sản xuất sang các nước/ khu vực nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, thương mại và đi đường vòng vào Mỹ. Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể phải đối mặt với làn sóng đầu tư đến từ các doanh nghiệp Hongkong, Trung Quốc và Đài Loan.

 

Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, thách thức chính của cuộc chiến thương mại Trung Quốc – Mỹ chính là khi Mỹ đánh thuế cao vào hàng sản xuất tại Trung Quốc thì khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa luân chuyển sản xuất sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, chi phí thương mại. Khi đó, thị trường may mặc trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn.

 

Hiện tại, Mỹ chưa có động thái hạn chế các sản phẩm sản xuất ở nước khác có nguồn gốc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nhưng nếu làn sóng các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam thì nguy cơ Mỹ sẽ có chế tài với hàng hóa được sản xuất từ nguyên phụ liệu của Trung Quốc.

 

Theo Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải, ngành dệt may Việt Nam đang có “một lý lịch sạch” do không bán phá giá, không có trợ cấp”. Thế nhưng, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc dữ dội như hiện nay, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, cảnh báo, “dệt may Việt Nam có thể phải hứng chịu xu hướng bị lợi dụng về mặt danh nghĩa”.

 

Để giải quyết vấn đề này, theo Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, muốn đẩy mạnh xuất khẩu, ngành dệt may cần đầu tư một cách bài bản để phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu thì cần có sự liên kết chặt chẽ với các thị trường tham gia FTA có nhiều ưu đãi lớn. "Chúng ta vẫn đang có một số hiệp định có ý nghĩa rất lớn đối với dệt may như, CPTPP, FTA Việt Nam-EU… Tất cả những hiệp định này đang ở phía trước và sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đây sẽ là cú hích mạnh mẽ cho ngành dệt may Việt Nam", ông Hải cho biết.

 

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cho rằng, việc ngành may Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên phụ liệu của Trung Quốc được nhìn nhận gây bất lợi cho sự phát triển của các ngành sợi, dệt, may của Việt Nam, nhất là khi các FTA mà Việt Nam đã ký kết như EVFTA, CPTPP... đều yêu cầu nguyên phụ liệu không xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Cũng theo ông Hòa, nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và kéo dài, thì các nhà nhập khẩu từ Mỹ cũng sẽ hạn chế sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc từ Trung quốc để tránh rủi ro. Bởi vậy, các doanh nghiệp Việt cần chủ động đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu, phụ liệu...

 

“Chúng tôi kỳ vọng Nhà nước có chính sách cụ thể để hổ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như sợi, dệt, nhuộm... để kiện toàn chuỗi cung ứng và gia tăng giá trị sản xuất trong nước, thay vì chỉ gia công như hiện nay”, ông Hòa chia sẻ.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang