Thứ Bẩy, 23/11/2024 02:32:39 GMT+7
Lượt xem: 360

Tin đăng lúc 04-01-2024

Xuất khẩu - điểm sáng nổi bật trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình hơn 17%/năm, giai đoạn 1992-2022, đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hàng đầu thế giới.
Xuất khẩu - điểm sáng nổi bật trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế
Thành tựu trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam hơn 3 thập kỷ qua là một trong những điểm nổi bật nhất của nền kinh tế Việt Nam

Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu các nền kinh tế lớn suy giảm, thị trường xuất khẩu, sản suất trong nước gặp nhiều khó khăn, lần đầu tiên sau 14 năm, kể từ năm 2009 (thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu), kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm, tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam có nhiều điểm sáng, thể hiện nội lực và nỗ lực của nền kinh tế.

 

Thành tựu nổi bật trong xuất khẩu

 

Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) xác định, xuất khẩu hàng hóa là một trong 3 mặt trận của nền kinh tế thời kỳ đổi mới (bên cạnh sản xuất lương thực, thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng). Hội nghị giữa nhiệm kỳ (Khóa VII) của Đảng xác định, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam là "Kiên trì hướng về xuất khẩu là hướng chính, đồng thời thay thế nhập khẩu một số sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả".

 

Đó là định hướng chiến lược nhất quán của Việt Nam, đặt cơ sở quan trọng để xuất khẩu Việt Nam có hướng đi đúng đắn từ năm 1986 đến nay.

 

Trong giai đoạn đầu, từ năm 1991 đến 2010, tăng trưởng xuất khẩu hằng năm của Việt Nam luôn đạt tốc độ cao, ở mức 2 con số, thậm chí có những năm lên đến trên 15%. Giai đoạn từ năm 2011 đến 2022, tốc độ tăng của tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình 12,6%/năm.

 

Nếu năm 1991, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 2,087 tỷ USD (nhập khẩu đạt 2,338 tỷ USD), thì đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 162,016 tỷ USD (nhập khẩu đạt 165,775 tỷ USD), tăng gấp 77,63 lần.

 

Đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 2,29 lần năm 2015 và 177,9 lần năm 1991.

 

Những điểm sáng

 

Thứ nhất, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong suốt hơn 3 thập kỷ, ngay cả thời gian đại dịch COVID-19 (2019-2021). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tính trong cả thời kỳ từ năm 1992 đến 2022 (31 năm) đạt trung bình 17,96 %/năm. Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hàng đầu thế giới hơn 30 năm qua.

 

Thứ hai, từ năm 2016 đến 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có 7 năm xuất siêu liên tục. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu. Đối với một nước đang phát triển (nhu cầu nhập khẩu lớn, năng lực cạnh tranh sản phẩm chế biến ở thị trường quốc tế còn hạn chế), thì đạt được kim ngạch ngoại thương xuất siêu, là thành tích đáng ghi nhận, phản ánh nỗ lực và bước phát triển về chất của nền kinh tế.

 

Thứ ba, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng và doanh thu xuất khẩu ngày càng cao. Nếu năm 1986, Việt Nam mới chỉ có vài mặt hàng xuất khẩu với giá trị thấp, thì đến năm 2016, Việt Nam đã có 24 mặt hàng đạt giá trị trên 1 tỷ USD (điện thoại và linh kiện: 34,32 tỷ USD; dệt may: 23,84 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện: 18,96 tỷ USD; giày dép: 13,0 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác: 10,14 tỷ USD; thủy sản: 7,05 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ: 6,97 tỷ USD...), và chỉ 6 năm sau (năm 2022), nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD đã tăng lên 48 mặt hàng.

 

Thứ tư, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2022 đã có mặt tại gần 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn và khó tính, như Mỹ, Nhật Bản và EU. Đáng chú ý đến nay, Việt Nam đã có 33 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và có 6 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.

 

Trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đã trải rộng ra khắp các châu lục: Á, Âu, Bắc Mỹ, chỉ riêng 6 thị trường lớn nhất, có quy mô trên 10 tỷ USD, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này đã đạt 237 tỷ USD, chiếm 63,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

 

Thứ năm, hơn 30 năm đẩy mạnh chiến lược "hướng về xuất khẩu", cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch căn bản, từ thâm dụng sản phẩm nguyên liệu, hàng sơ chế, sang các sản phẩm chế biến, chế tạo.

 

Nếu năm 2001, tỷ trọng đóng góp của nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản chiếm 24,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, của nhóm nhiên liệu, khoáng sản chiếm 21,6%, trong khi nhóm sản phẩm công nghiệp và thủ công mỹ nghệ chiếm 33,9%, nhóm hàng hóa khác là 20,2%, thì đến năm 2022, tỷ trọng đóng góp của nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ còn 9,6%, nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn 1,4%, trong khi tỷ trọng đóng góp của nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đã đạt 89,0%.

 

Sự thay đổi trong cơ cấu xuất khẩu phản ánh trình độ công nghiệp hóa của Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt, giá trị và năng lực của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đã được cải thiện cơ bản. Đây là điểm sáng trong chuyển biến về chất của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

 

Thứ sáu, sự gia tăng và những kết quả ngoạn mục của xuất khẩu Việt Nam trong hơn 30 năm qua, không chỉ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân ngoại thương, mà còn nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, mở rộng hội nhập kinh tế, văn hóa, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Năm 2023: Xuất khẩu nỗ lực vượt 'cơn gió ngược', tiếp tục khẳng định 'điểm sáng'

 

Năm 2023, trong điều kiện biến động do chiến tranh, khủng hoảng chính trị khu vực, lạm phát gia tăng ở nhiều quốc gia là bạn hàng của Việt Nam khiến thị trường thế giới giảm sút, một số mặt hàng công nghiệp chế biến của Việt Nam bị sụt giảm sản lượng xuất khẩu, bên cạnh đó, giá một số hàng nông sản xuất khẩu cũng giảm mạnh, song xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực.

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6 % so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu 355,5 tỷ USD (giảm 4,4 %) và nhập khẩu 327,5 tỷ USD (giảm 8,9 %).

 

Điểm sáng tích cực, nổi bật trong xuất khẩu năm 2023 đó là kim ngạch xuất khẩu được cải thiện dần, đặc biệt vào các tháng cuối năm. Nếu 9 tháng của năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước, thì trong quý IV kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với quý III.

 

Và mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tuy có sự suy giảm so với năm 2022, nhưng vẫn cao hơn thời điểm trước đại dịch COVID-19 (năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 517,26 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu 264,19 tỷ USD và nhập khẩu 253,07 tỷ USD).

 

Đặc biệt, nền kinh tế vẫn duy trì xuất siêu, mức xuất siêu ước đạt 28 tỷ USD, vượt xa năm 2022 (11,2 tỷ USD). Đây là năm thứ 8, Việt Nam duy trì được thặng dư cán cân ngoại thương, với mức xuất siêu tăng kỷ lục gấp 2,5 lần năm 2022.

 

Sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước có thể coi là "điểm sáng" nữa trong hoạt động xuất khẩu năm 2023. Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2023, tốc độ suy giảm trong xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước (giảm 5,7%) thấp hơn so với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (giảm 9,1%). Riêng tháng 12, xuất khẩu hàng hóa tăng 5,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,3%, đây là "điểm sáng" khá tích cực, khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã gấp 2,19 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Đáng chú ý, nhóm hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, là "điểm sáng" nổi bật, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% và chiếm trên 43% xuất siêu của cả nước.

 

Như vậy, mặc dù còn có những hạn chế, bất cập, điều khó tránh khỏi của bất kỳ nền kinh tế nào, nhưng có thể khẳng định, những thành tựu trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam hơn 3 thập kỷ qua là một trong những "điểm sáng" nổi bật nhất của nền kinh tế Việt Nam.

 

Để duy trì và phát huy "điểm sáng" trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, bên cạnh quyết tâm, sự nhạy bén, năng động thích ứng của Chính phủ và doanh nghiệp, thì vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là phải đẩy mạnh tái cấu trúc lại các sản phẩm xuất khẩu theo hướng phát huy lợi thế của kinh tế xanh, kinh tế tri thức, gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tạo thể chủ động trong thương mại quốc tế.

 

Theo baochinhphu.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang